Bổ sung nhiều quyền lợi cho người lao động & trách nhiệm thực hiện BHXH trong Luật BHXH (sửa đổi)

18/12/2014 09:26 AM


Ngày 20/11/2014, Luật BHXH (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8, gồm 09 Chương, 125 Điều, quy định chế độ, chính sách BHXH; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHXH, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan BHXH; Quỹ BHXH; thủ tục thực hiện BHXH và quản lý nhà nước về BHXH.

Luật BHXH (sửa đổi) mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm người lao động có hợp đồng lao động từ 01-03 tháng, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Luật hóa một số nhóm đối tượng đã được thực hiện theo các quy định hiện hành như học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Đối với BHXH tự nguyện bỏ quy định tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện, bỏ quy định mức thu nhập đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) để phù hợp với khả năng tham gia của người dân, quy định người tham gia có thể lựa chọn phương thức đóng BHXH tự nguyện một cách linh hoạt ngoài các phương thức đã quy định, cho phép có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ BHXH tự nguyện. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ và có biện pháp bảo toàn và tăng trưởng quỹ.

Bổ sung Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật. Các chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định (đây là chính sách mới trên cơ sở vừa nghiên cứu, vừa tổ chức thực hiện sẽ có rất nhiều vấn đề thực tiễn đòi hỏi phải giải quyết trong thời gian tới).

Về bổ sung thêm quyền của người lao động

Được cấp và quản lý sổ BHXH, được nhận lương hưu, trợ cấp BHXH trực tiếp từ cơ quan BHXH hoặc thông qua tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền  hoặc qua tài khoản tiền gửi hoặc thông qua người sử dụng lao động; hưởng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi và nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày. Người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH, người bị tái phát thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thân nhân người lao động được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để làm căn cứ hưởng chế độ BHXH và được Quỹ BHXH thanh toán phí giám định y khoa khi đủ điều kiện hưởng BHXH (trừ trường hợp do người sử dụng lao động giới thiệu ra Hội đồng Giám định y khoa). Được người sử dụng lao động định kỳ cung cấp thông tin về việc đóng BHXH, hàng năm được cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH.

Về chế độ BHXH, Luật BHXH (sửa đổi) tăng thêm quyền lợi cho người lao động, cụ thể:

Về chế độ thai sản

Bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 05 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 07 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, đẻ dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày nếu sinh đôi và thêm 03 ngày/con nếu sinh 03 trở lên; 14 ngày nếu sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nữ có thời gian đóng BHXH từ đủ 12 tháng nhưng vì lý do thai không bình thường phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì chỉ cần đảm bảo điều kiện đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con; sửa đổi thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, bổ sung trường hợp lao động nam nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi được hưởng BHXH giống như lao động nữ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; sửa đổi quy định trong trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ; trường hợp mẹ đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa  đủ  thời gian đóng BHXH theo quy định mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng  được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi; bổ sung quy định trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không có đủ sức khỏe để chăm sóc con có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh theo thẩm quyền thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi; bổ sung trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH khi vợ sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con; tăng thêm 01 tháng cho thời gian lao động nữ nghỉ thai sản trong trường hợp con chết sau khi sinh; bổ sung quy định chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi.

Về chế độ hưu trí

Bổ sung quy định lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu (tuy nhiên, nếu lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì không được bù bằng mức lương cơ sở). Đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, quy định lộ trình tăng tuổi hưởng lương hưu đối với nhóm bị suy giảm khả năng lao động như sau: Từ ngày 01/01/2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi thì nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định. Từ  ngày 01/01/2016 trở đi, nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi, có  thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định.

Tỷ lệ % hưởng lương hưu sửa đổi như sau:

Từ nay đến trước ngày 01/01/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75% (như quy định hiện hành).

Sửa đổi cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu theo lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH đối với lao động nam để được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH như sau:

Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 thì tỷ lệ 45% tương ứng với 16 năm đóng BHXH, tương tự, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm.

Như vậy, từ năm 2020 trở đi, lao động nam có đủ 20 năm đóng BHXH được tính bằng 45%, từ năm 2018 trở đi, lao động nữ có đủ 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% cho cả nam và nữ, mức tối đa bằng 75%.

Tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi tăng từ 1% lên 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH, đủ 55 tuổi được tính như sau: Đủ 15 năm đóng BHXH tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH, cứ mỗi năm đóng BHXH tính thêm 2%.

Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi.

Bổ sung quy định người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng nếu bị phạt tù giam thì trong thời gian thi hành án vẫn được hưởng lương hưu. Bổ sung quy định nếu có căn cứ xác định việc hưởng BHXH hàng tháng không đúng quy định của pháp luật thì cơ quan BHXH thực hiện tạm dừng hưởng, trong thời hạn 30 ngày cơ quan BHXH nơi tạm dừng phải giải quyết hưởng tiếp hoặc ra quyết định chấm dứt hưởng BHXH nêu rõ lý do. Bổ sung quy định người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng nếu ra nước ngoài định cư được nhận trợ cấp một lần.

Quy định hạn chế hưởng BHXH một lần để đảm bảo An sinh xã hội chỉ giải quyết đối với các trường hợp sau:

Đủ tuổi hưởng lương hưu theo nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; ra nước ngoài để định cư; người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Sửa đổi mức hưởng BHXH một lần

Mức hưởng được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

Người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp BHXH một lần

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:

Tham gia BHXH trước ngày 01/01/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH từ ngày 01/01/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định.

Chế độ tử tuất

Bổ sung điều kiện phải có đủ 12 tháng đóng BHXH bắt buộc trở lên đối với người đang tham gia hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH mới được hưởng trợ cấp mai táng (trừ trường hợp chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp); bổ sung đối tượng giải quyết chế độ tử tuất đối với người hưởng lương hưu nhưng đang chấp hành hình phạt tù mà bị chết trong tù; bổ sung quy định cho phép thân nhân người lao động được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần trừ trường hợp có thân nhân là con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; bổ sung quy định trường hợp người lao động không có thân nhân quy định của Luật BHXH thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Tăng mức trợ cấp tuất một lần đối với trường hợp người lao động đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH chết từ 1,5 tháng lên 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.

Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không sửa đổi, bổ sung lần này dự kiến sẽ đưa vào Dự án Luật An toàn Vệ sinh lao động.

Chế độ BHXH tự nguyện gồm hai chế độ hưu trí và tử tuất, quy định liên thông với chế độ hưu trí, tử tuất trong BHXH bắt buộc, chỉ có một số điểm khác biệt như trợ cấp BHXH một lần không chi trả phần hỗ trợ đóng BHXH của Nhà nước.

Về trách nhiệm thực hiện BHXH

Bổ sung trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động.

Bổ sung trách nhiệm của UBND các cấp về BHXH

Xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trình HĐND cùng cấp quyết định.

Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động

Lập hồ sơ để ng­ười lao động được cấp sổ BHXH, đóng, hưởng BHXH; phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan BHXH trả trợ cấp BHXH cho người lao động; định kỳ 06 tháng niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH của người lao động; hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của người lao động do cơ quan BHXH cung cấp; bỏ quy định quản lý số BHXH khi người lao đông đang làm việc; bổ sung trách nhiệm giới thiệu người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhiều lần ra Hội đồng Giám định y khoa để giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động.

Về trách nhiệm của tổ chức đại diện người sử dụng lao động

Bổ sung trách nhiệm tham gia kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về BHXH.

Tổ chức công đoàn được bổ sung quyền khởi kiện đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; bổ sung trách nhiệm tham gia thanh tra việc thi hành pháp luật về BHXH.

Bổ sung quy định về quyền và trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, chủ động tham gia các loại hình BHXH phù hợp với bản thân và gia đình; tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; phản biện xã hội, tham gia với cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về BHXH; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH theo quy định của pháp luật.​

Luật BHXH (sửa đổi) quy định cơ quan BHXH là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHYT, BHTN; thanh tra việc đóng BHXH, BHYT, BHTN và các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.

Bổ sung trách nhiệm của cơ quan BHXH

Ban hành mẫu sổ, mẫu hồ sơ BHXH, BHTN sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; hàng năm, xác nhận thời gian đóng BHXH cho từng người lao động, cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền đư­ợc hưởng chế độ, cung cấp thông tin về việc đóng BHXH của người lao động để  người sử dụng lao động niêm yết công khai, cơ quan BHXH tại địa phương báo cáo UBND cùng cấp về tình hình thực hiện BHXH, BHYT, BHTN; công khai trên phương tiện truyền thông về người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN; bỏ trách nhiệm giới thiệu người lao động, thân nhân người lao động ra Hội đồng Giám định y khoa để giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Cơ quan BHXH còn được bổ sung quyền được yêu cầu người sử dụng lao động xuất trình sổ quản lý lao động, bảng lương và thông tin, tài liệu khác liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN; quyền được cơ quan đăng ký doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoạt động hoặc giấy phép hoạt động gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy phép hoạt động; giấy chứng nhận hoạt động hoặc quyết định thành lập; được cơ quan thuế cung cấp mã số thuế của tổ chức, cá nhân; định kỳ hằng năm cung cấp thông tin về chi phí tiền lương để tính thuế của doanh nghiệp hoặc tổ chức; định kỳ 06 tháng được cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương cung cấp thông tin về tình hình sử dụng và thay đổi lao động trên địa bàn.

Cơ quan BHXH được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan và được giao thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về BHXH.

Chế tài xử lý vi pham: Quy định các hành vi bị nghiêm cấm,quy định cụ thể về xử lý vi phạm pháp luật về BHXH. Tăng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về đóng BHXH theo quy định từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, để đảm bảo tính khả thi một số quy định thực hiện từ ngày 01/01/2018, đây là căn cứ pháp lý rất quan trọng để thực hiện các chế độ BHXH cho người lao động, nhân dân, nhằm thực hiện mục tiêu BHXH cho mọi người lao động, trước mắt phấn đấu đến năm 2020, có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, góp phần bảo đảm An sinh xã hội của đất nước./.

Điều Bá Được

Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam