Chống bạo hành bệnh viện: Đừng để nước đến chân mới nhảy

09/12/2014 09:09 AM


Bệnh viện (BV) được coi là nơi an toàn nhất nhưng thời gian gần đây tình trạng mất an ninh BV đang diễn ra ngày càng nhiều. Thống kê sơ bộ từ năm 2013 đến nay đã có 14 vụ hành hung nhân viên y tế tại các BV trong cả nước. Vấn đề an ninh BV đang được nhiều người quan tâm. Các cơ quan chức năng đang cùng nhau phối hợp thắt chặt an ninh BV, đảm bảo việc khám và điều trị cho người bệnh được tốt hơn. Tuy nhiên, theo nhiều lao động ngành y thì cần phòng là chính và phải phòng từ xa, đừng để “nước đến chân mới nhảy”.

Bắt đền, hành hung bác sĩ ngày càng nhiều

Trung tuần tháng 9, một bé trai 4 tuổi cùng người nhà đến thăm mẹ đẻ mổ tại BV Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội), trong lúc chơi đùa, bé bị ngã từ trên cao, đập đầu xuống đất, sưng nề vùng trán và được đưa vào khám tại khoa Ngoại của BV. Lúc đó, BS Phạm Thanh Tùng đã đề nghị người nhà đưa cháu bé sang BV Ung Bướu để chụp cắt lớp vì điều kiện kỹ thuật tốt hơn. BS cử hai điều dưỡng viên cùng gia đình đưa bé đi khám. Lát sau, có ba thanh niên, trong đó có Tuấn, tự xưng là người nhà bé trai đến phòng Cấp cứu - khoa Ngoại có nhiều lời lẽ xúc phạm BS Tùng. Tuấn còn đánh vào mặt BS trước sự chứng kiến của nhiều người.

Trước đó không lâu, tại khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, Hà Nội. Đối tượng Nguyễn Tiến Dũng đưa vợ là chị Nguyễn Thị Hồng Mỹ (32 tuổi) vào cấp cứu. Sau khi khám, các BS chẩn đoán chị Mỹ bị rối loạn tiêu hóa và tiến hành điều trị cho bệnh nhân. Anh này đã cho rằng các BS bỏ mặc vợ mình nên to tiếng lăng mạ các BS và xông vào hành hung một số cán bộ y tế đang trực và cầm ghế đánh vào đầu nữ điều dưỡng viên Ngọc Anh đang mang thai tháng thứ 7 khiến chị ngất tại chỗ. Đối tượng Dũng gọi điện cho một số đối tượng khác đến để uy hiếp y, BS nhưng đã bị lực lượng bảo vệ, công an ngăn chặn kịp thời.

Đỉnh điểm của sự mất an ninh BV là vụ việc xảy ra tại BV đa khoa huyện Vũ Thư (Thái Bình) vào tháng 8.2011, người nhà bệnh nhân lao vào đâm chết BS Phạm Đức Giàu và làm bị thương nặng 1 BS vì cho rằng các BS đã chậm trễ trong việc cứu người thân của họ. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã tỏ ra lo lắng: “Thời gian gần đây tình hình mất an ninh BV trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, khi có một số bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bức xúc, kéo đến đập phá, bắt đền BV, hành hung khiến cán bộ y tế hoang mang, không yên tâm công tác; người bệnh mất lòng tin ở người thầy thuốc, ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả khám và chữa bệnh”.

An ninh BV - Không thể chỉ Giám đốc BV tự lo

Mổ xẻ nguyên nhân của tình trạng mất an ninh BV hiện nay, TS Lương Ngọc Khuê cho rằng tại các BV, biện pháp bảo đảm an ninh chưa được quan tâm đúng mức, sự cố y khoa do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, tình trạng quá tải các BV… Bên cạnh đó, y đức của một số nhân viên y tế làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc, khiến cho nhân dân bất bình, nảy sinh các hành vi quá khích.

GS-TS Trần Quỵ - Nhà giáo Nhân dân, AHLĐ; nguyên Giám đốc BV Bạch Mai, cho rằng: Nghề y là một nghề đặc biệt, chịu sức ép nặng nề của dư luận xã hội. Thái độ hành vi không đúng của người bệnh và người nhà bệnh nhân khi không thoả mãn yêu cầu của họ trong khi điều kiện để đáp ứng không có, người thầy thuốc không thể thực hiện được. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về bảo vệ an toàn và bảo hiểm nghề nghiệp cũng như chế độ chính sách đãi ngộ thích hợp cho cán bộ công chức ngành y tế. GS Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng hội Y học VN nhấn mạnh: “An ninh BV là một vấn đề của cả xã hội, rồi vai trò của chính quyền ở địa phương cũng phải tham gia giúp đỡ cho các BV chứ không thể chỉ để cho giám đốc BV tự lo công việc này”.

Trước thực trạng an ninh BV, các giải pháp cũng được đưa ra. GS Phạm Mạnh Hùng cho rằng, về mặt quy trình ra vào ở BV cần có sự thay đổi, cần phải nghiên cứu và có những bổ sung. Chẳng hạn như những ai được vào nằm trong BV, những ai được vào BV. Ngành y tế cần phải xem lại, nghiên cứu và sửa chữa, cần tiếp tục xây dựng quy chế hoạt động trong BV. Nhằm thu hút sự chú ý của dư luận về vấn đề an ninh, an toàn BV, để mỗi người dân khi đi khám chữa bệnh có ý thức hợp tác với thầy thuốc, tạo điều kiện cho các thầy thuốc làm nhiệm vụ cứu người. Đồng thời có kiến nghị về các cơ sở pháp lý bảo vệ sự an toàn, tính mạng cho đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế.

Theo 24h.com.vn