Giải pháp triển khai BHYT toàn dân
22/09/2014 03:35 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW (khóa XI) của Bộ Chính trị;
1. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình, Kế hoạch phát triển BHYT đã ban hành, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện, phân công cụ thể từng ngành, từng địa phương thực hiện việc tuyên truyền, vận động tham gia BHYT, đảm bảo đạt chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên chi bộ thôn, xóm trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT tại cơ sở, đặc biệt quan tâm chỉ đạo sâu sát đối với thôn thuộc xã nông thôn mới để sớm đạt các tiêu chí nông thôn mới, đồng thời góp phần tăng tỷ lệ dân số có thẻ BHYT.
2.Thực hiện có hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách BHYT để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHYT, ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
3.Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể của hệ thống chính trị trong việc thông tin, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia BHYT. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ mức đóng BHYT 15% còn lại đối với người thuộc hộ cận nghèo. Đề nghị Ngành Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tăng cường chỉ đạo Ban Giám hiệu các trường học, vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT, phấn đấu đạt 100% theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Đồng thời kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm ban hành chuẩn mức sống trung bình của hộ nông, lâm, ngư nghiệp để làm cơ sở hỗ trợ 30% mức đóng theo Luật BHYT, tạo điều kiện cho đối tượng này tham gia BHYT. Triển khai thực hiện quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình với cơ chế giảm mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi, đến người thứ năm chỉ đóng 40% mức đóng, từ 1/1/2015. Quy định này sẽ khắc phục tình trạng trùng thẻ, hạn chế tình trạng chỉ có người bệnh mới tham gia BHYT, đảm bảo chia sẻ ngay trong hộ gia đình. Mặt khác đề nghị ngành y tế tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bi y tế; bồi dưỡng nguồn nhân lực, để thực hiện tốt hơn công tác KCB, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân có thẻ BHYT. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia và thụ hưởng quyền lợi khi tham gia BHYT.
Một trong những giải pháp hết sức quan trọng là việc chuẩn bị thật tốt các điều kiện để sớm triển khai thực hiện việc mở rộng phạm vi quyền lợi và mức hưởng, ngay sau khi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/01/2015) tạo sự thu hút người dân tham gia BHYT,trong đó đáng chú ý là việc: bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân chủ yếu của liệt sỹ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống 5% đối với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ cận nghèo; quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB khi người bệnh có 5 năm tham gia BHYT liên tục trở lên, đã thực hiện cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; mở thông tuyến KCB BHYT: Từ 1/1/2016 sẽ mở thông tuyến KCB BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh và thông tuyến KCB BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT