Mở rộng đối tượng tham gia BHXH
06/08/2014 07:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo Bộ LĐTBXH, đến cuối năm 2013, số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đã đạt khoảng 10,8 triệu người, tương đương khoảng 78% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH (2006).
Hội thảo khu vực phía Nam về “Đối thoại chính sách trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội”. Ảnh VGP/Thanh Thủy
Ngày 30/7 tại TPHCM, Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội phối hợp với Bộ LĐTBXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI tổ chức Hội thảo khu vực phía Nam về “Đối thoại chính sách trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội”. Việc sửa đổi Luật BHXH lần này sẽ hướng đến 2 mục tiêu: Đảm bảo an sinh xã hội thông qua việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH (đặc biệt là BHXH tự nguyện), tăng thời gian làm việc, giảm số lượng người hưởng trợ cấp một lần và thực hiện nguyên tắc đóng-hưởng để đảm bảo cân bằng quỹ BHXH thông qua việc điều chỉnh công thức tính lương hưu, mức tiền lương tháng đóng BHXH; đổi mới hoạt động của tổ chức BHXH. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết năm 2013, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước có khoảng 53,69 triệu người. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện còn thấp, mới chiếm khoảng 20% tổng lực lượng lao động. Đến cuối năm 2013, mới chỉ có khoảng 173.000 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,5% tổng số lao động thuộc diện tham gia. Đặc biệt, phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân chưa tham gia loại hình BHXH này. Bên cạnh đó, số đối tượng hưởng BHXH 1 lần hằng năm vào khoảng 500.000-600.000 người và có xu hướng gia tăng, điều này làm ảnh hưởng tới chi trả quỹ BHXH và chưa phù hợp với xu hướng an sinh xã hội trên thế giới. Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay số lao động đang làm việc tại các DN có khoảng 16 triệu người nhưng số lao động đang tham gia BHXH bắt buộc mới chỉ có 10,8 triệu người (kể cả cán bộ, công chức, viên chức khu vực hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang). Như vậy, còn khoảng trên 5 triệu người chưa tham gia BHXH, tương ứng với số thu BHXH, BHYT khoảng 56.000 tỷ đồng/năm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến Quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó, tình trạng DN nợ, chậm đóng BHXH đang diễn ra phổ biến (50% DN không tham gia BHXH và số tiền nợ BHXH đến 30/4/2014 là 12.451 tỷ đồng) làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ và “mất trắng” quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Theo bà Nguyễn Nguyệt Nga, chuyên viên cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, hệ thống hưu trí ở Việt Nam còn nhiều tồn tại. Nguyên nhân là do công tác thu tiền đóng bảo hiểm chưa hiệu quả; tỷ lệ tuân thủ chỉ đạt 60-65% ở khu vực chính thức; các hình thức chế tài chưa đủ mạnh và hiệu lực; tỷ lệ lãi đầu tư quỹ hưu chưa đạt hiệu quả (thấp hơn tăng trưởng trung bình của GDP và tỉ lệ lạm phát)... Ngoài ra, người lao động Việt Nam về hưu khi còn rất trẻ so với thế giới, kể cả so với các nước đang phát triển. Tuổi nghỉ hưu trung bình ở Việt Nam là 51 (nữ) và 55 (nam), trong khi hầu hết các nước Đông Âu, Mỹ Latin tuổi nghỉ hưu là 65 và các nước Đông Á là 60. TS. Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về Quốc hội, cho biết mục tiêu đạt ra khi xây dựng Luật BHXH sửa đổi là mở rộng đối tượng tham gia, đảm bảo sự bình đẳng trong tham gia và tận hưởng BHXH của người lao động ở mọi thành phần kinh tế, để đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH đến năm 2015 là 18% dân số (chiếm 33% lực lượng lao động); năm 2020 là 29% dân số (chiếm 50% lực lượng lao động, khoảng 29 triệu lao động). Theo đó, bên cạnh việc tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, chế tài để tăng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cần mở rộng các hoạt động tuyên truyền, vận động các thành phần khác như nông dân, lao động tự do và các đối tượng thuộc khu vực phi chính thức tham gia BHXH. Đối với nông dân, có thể có các chính sách hỗ trợ theo từng giai đoạn để khuyến khích họ đóng BHXH. Ví dụ, ngoài những đối tượng thuộc chính sách, các đối tượng khác Nhà nước sẽ hỗ trợ 50% mức đóng trong 5 năm đầu, 25% từ năm thứ 5-10 và từ năm thứ 11 sẽ đóng 100%. Theo bà Nguyễn Nguyệt Nga, muốn xây dựng một chiến lược với tầm nhìn dài hạn cho cả hệ thống BHXH cũng như cải cách hệ thống quản lý thì cần tập trung mở rộng độ bao phủ ở khu vực chính thức với nhiều cách tiếp cận đa dạng đến với nhiều nhóm dân số khác nhau. Bên cạnh đó, để tiến tới mở rộng mức độ bao phủ tới khu vực phi chính thức (nông dân, lao động tự do...) rất cần các chính sách hỗ trợ bước đầu của Chính phủ.
Theo Thanh Thủy (chinhphu.vn)
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT