Bệnh viện quá tải do bệnh nhân “ngại” tuyến dưới
15/07/2014 08:19 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 7 - 7, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu khảo sát một số bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh về tình trạng quá tải. Theo khảo sát nhanh của Bộ Y tế, hiện nay lượng bệnh nhân tự vượt tuyến chiếm khoảng 30%, chủ yếu do người dân chưa tin tưởng vào y tế tuyến dưới.
Bệnh viện tuyến trên hầu như đều rơi vào tình trạng quá tải
Báo cáo về tình trạng quá tải của bệnh viện, ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, mặc dù đã tăng số phòng khám và số bàn khám bệnh nhưng vẫn không đáp ứng được số lượng bệnh nhân đến khám quá cao. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 4.000 lượt bệnh nhân đến khám, trong khi đó bệnh viện chỉ có 55 phòng khám với 93 bàn khám. Mặt bằng bệnh viện quá chật hẹp, không còn chỗ nào để cơi nới. Trung bình mỗi bệnh nhân đến khám vẫn phải chờ hơn 3,5 giờ.
Theo ý kiến của hầu hết các bệnh viện, tình trạng quá tải chủ yếu do bệnh nhân còn chưa tin tưởng hiệu quả điều trị của tuyến dưới. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, một bệnh nhân nam ở Đắk Lắk, đến khám bệnh gan phản ánh, không có người dân nào muốn đi xa để chầu chực khám và điều trị bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do y tế cơ sở quá yếu kém, chữa hoài không hết bệnh. Một số bệnh nhân nữa lý giải, điều trị mãi ở tuyến dưới không hết bệnh nên phải lên tuyến trên. Bởi vì, cùng một loại bệnh nhưng ở tuyến dưới bác sĩ chỉ cấp cho một vài loại thuốc bảo hiểm y tế đơn giản, trong khi đó lên tuyến trên bảo hiểm y tế thanh toán cho nhiều loại thuốc hơn. Ngoài ra, rất nhiều bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế than phiền vì thủ tục "lằng nhằng”. Trả lời bức xúc của người dân về việc khám bảo hiểm tuyến dưới và tuyến trên, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho rằng: "Không nên hạn chế loại thuốc bảo hiểm y tế chi trả cho tuyến dưới, cùng một loại bệnh thì chỉ nên có một phác đồ điều trị giống nhau, thống nhất ở các tuyến. Không có cái gọi là bệnh huyết áp trung ương hay bệnh huyết áp địa phương..., phân biệt đối xử như vậy thì làm sao người dân có thể tin vào y tế tuyến dưới”.
Sau khi khảo sát và nghe báo cáo của lãnh đạo các bệnh viện về công tác giảm tải, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, tình trạng quá tải ở bệnh viện phía Nam căng thẳng hơn ở phía Bắc. Lượng bệnh nhân tự vượt tuyến lên tuyến trên chiếm khoảng 30%, chủ yếu do người dân chưa tin tưởng vào y tế tuyến dưới. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sự khác biệt rõ nét giữa tuyến dưới và tuyến trên chính là vấn đề kỹ thuật nhưng thuốc phát cho bệnh nhân bảo hiểm y tế chữa các bệnh về nội khoa phải như nhau ở tất cả các tuyến, phác đồ điều trị cũng phải giống nhau.
Để hạn chế mức thấp nhất tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên Bộ Y tế cho rằng, ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới, Bộ Y tế chủ trương đưa thương hiệu tuyến trên về tuyến dưới bằng cách cử bác sĩ tuyến trên luân phiên thường xuyên ở các phòng khám của bệnh viện tuyến dưới.
Nguồn Đại đoàn kết
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT