Khám chữa bệnh theo yêu cầu và vấn đề phân biệt đối xử trong xã hội
09/12/2013 08:48 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sinh ra trong lòng các bệnh viện (BV) công, loại hình khám chữa bệnh theo yêu cầu (KCB TYC) đã và đang từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong bước đi quá độ của ngành y tế. Song nó đem lại công bằng xã hội như thế nào?
Khoa KCB tự nguyện A của BV Nhi Trung ương được thành lập và đi vào hoạt động được 4 năm nay với quy mô 53 giường bệnh và 200 - 250 lượt người khám bệnh/ngày. Ngày ngày, Khoa thu hút hơn 20 bác sĩ (BS) thay nhau làm việc từ 5 - 21h. "Nếu không có loại hình KCB tự nguyện này, tôi e rằng khó có thể giữ chân được những BS giỏi, tâm huyết với nghề ở đây”. Với giọng nói nhỏ nhẹ, trầm buồn, TS.BS Trần Thanh Tú - Trưởng Khoa KCB tự nguyện BV Nhi Trung ương tâm sự.
Câu chuyện của người tiến sĩ trẻ kia không phải không có lý khi ai đó có dịp mục sở thị khu KCB này. Hàng loạt những người thầy thuốc giỏi ở đây sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, được cầm sổ hưu trên tay đã tình nguyện ở lại cống hiến tiếp. Họ đều là những người có học hàm, học vị cao cấp như PGS,TS, Th.S và đều có thể được tiếp nhận ngay bất cứ lúc nào tại những BV tư nhân, quốc tế cao cấp như Vinmec, Việt - Pháp với những mức lương hàng nghìn đô la mỗi tháng nếu họ muốn. Nhưng, họ vẫn "chọn lối này…”. "Chúng tôi đã quen việc, quen người, quen cơ quan đến độ khó có thể dứt áo ra đi khỏi đây được” - một trong số những người này tâm sự.
…"Theo tôi, anh nên sang bên kia (KCB thông thường) khám cho nó "nhẹ” bớt tiền viện phí rồi sang đây chúng tôi xét nghiệm cho. Như thế anh chỉ mất phí xét nghiệm giá cao mà không mất phí khám tự nguyện. Đổi lại anh được thời gian…”. Nghe người điều dưỡng viên kiên trì tư vấn, một bệnh nhân vui vẻ cảm ơn rồi trở lại phòng khám thông thường. "Chúng tôi giúp họ cân nhắc thật kỹ để KCB hiệu quả nhất” - Trưởng Khoa Trần Thanh Tú chia sẻ.
Những khu KCB tự nguyện (hay có nơi còn gọi là KCBTYC), như ở BV Nhi Trung ương được đầu tư cơ sở vật chất phòng ốc khá khang trang với nhiều tiện nghi hiện đại, có TV màn hình phẳng, sàn nhà lúc nào cũng sạch bóng, nước uống tinh khiết dùng thoải mái… Người bệnh nào bước chân đến đây cũng đều được các thầy thuốc đón tiếp nhanh chóng, ân cần, chu đáo và lịch thiệp với những khoảng thời gian thoải mái. Ngược hoàn toàn với những khu vực KCB thông thường hiện nay quá tải mọi thứ. Đến lượt được khám mỗi người chỉ được vài phút giáp mặt với BS.
Khu Khám chữa bệnh tự nguyện A của BV Nhi Trung ương
Tôi đem "hai bức tranh” nói trên đặt lên bàn làm việc của TS Trần Thanh Tú, bà trầm ngâm suy nghĩ: "Lẽ thường tình mà anh. Nhưng, có điều mà chúng tôi tâm niệm và tuân thủ: Chất lượng KCB dù ở bất cứ đâu cũng phải duy trì ngang phân nhau”. Có nghĩa là, theo chị, người bệnh phải được cứu chữa kịp thời bằng các biện pháp thăm khám, thuốc men, dịch truyền… chính xác theo phác đồ điều trị. Có điều, nếu có tiền, đến những nơi KCB tự nguyện, người bệnh sẽ được được tiếp cận với những thiết bị, công nghệ y tế hiện đại hơn, nằm giường bệnh đàng hoàng hơn, dùng loại thuốc có chất lượng cao hơn, hoạt chất tinh khiết hơn, ít tác dụng phụ hơn, chóng khỏi hơn, … "Công bằng là điều bất di bất dịch. Nhưng đó không có nghĩa là cào bằng” - TS.BS Trần Thanh Tú nhấn mạnh. Tất nhiên không loại trừ và thực tế đã xuất hiện ở đâu đó hiện tượng vì một lý do nào đó, người bệnh ít được quan tâm. Và đó là câu chuyện về y đức, trách nhiệm mà người thầy thuốc buộc phải tuân theo dù làm ở bất cứ đâu.
Như vậy thì, loại hình KCBTYC đem lại công bằng xã hội như thế nào sau tất cả những gì được cho là ưu việt đã nêu ở trên?
Theo Báo Đại đoàn kết
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT