Thách thức từ bài toán giảm nghèo

10/03/2014 09:39 AM


Đó là việc rút ngắn khoảng cách giàu nghèo. Theo thời gian, cùng với nhiều giải pháp từ phía Chính phủ và các ngành hữu quan, khoảng cách giữa mức thu nhập của người dân được cải thiện hơn. Dù vậy, khoảng cách ấy vẫn còn khá xa cùng nguy cơ giãn rộng.


Số liệu khảo sát của Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới công bố mới đây, mức thu nhập trung bình của cư dân nông thôn là 1,6 triệu đồng/ tháng/ người, mức này đối với cư dân thành thị là 3 triệu đồng/ tháng/ người. Trong đó, nhóm hộ nghèo nhất có mức thu nhập là 512.000 đồng/tháng/người, tăng 38,5% so với năm 2010; nhóm hộ thu nhập cao ở mức 4,8 triệu đồng/người/ tháng, tăng 40% so với năm 2010.

Những số liệu nói trên cho thấy, tuy khoảng cách mức thu nhập của cư dân nông thôn và cư dân thành thị đã có phần được kéo gần lại, song khoảng cách giữa thu nhập của người giàu nhất so với thu nhập của người nghèo nhất lại ở rất xa. Điều này càng thể hiện bài toán giảm chênh lệch giàu nghèo vẫn còn đang còn nhiều ẩn số.

Thực tế là, hầu hết bộ phận cư dân nông thôn đều theo nghề nông – nghề mà người ta thường nói là "đánh bạc với giời” – có nghĩa, người nông dân khi bỏ sức ra lao động và sản xuất, họ không thể biết trước được thành quả, lợi nhuận họ thu về là bao nhiêu, có bù đắp nổi những chi phí, công sức họ bỏ ra hay không. Sở dĩ nói như vậy là bởi, chỉ cần một cơn bão đi qua, hay một nạn dịch bệnh quét qua là coi như vụ mùa bị thất bát.

Chị Hoàng Thị Thùy Vinh (ở Vĩnh Phúc) lên Hà Nội giúp việc cho hay, nếu ở nhà làm nghề nông, một vụ lúa kéo dài 6 tháng, chị cũng chỉ thu nhập được khoảng 18 triệu đồng, đấy là chưa tính chi phí mua vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu cũng như công sức chị phải bỏ ra chăm bón mấy tháng trời. Lên Hà Nội làm giúp việc 6 tháng, chị cũng thu nhập 18 triệu (3 triệu đồng/ tháng) mà "mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”. Đã vậy lại không phải lo thiên tai, địch họa, không phải đầu tư, không phải lo ăn…

Tâm sự và cách tính toán của chị Vinh có lẽ đã phần nào bộc lộ rõ những tâm tư của người nông dân trong hoàn cảnh hiện nay. Khi mà thu nhập từ "bờ xôi, ruộng mật” không đủ sức nuôi sống họ thì đương nhiên họ phải chuyển đổi sang công việc khác để mưu sinh.

Người nghèo là đối tượng rất nhạy cảm đối với mỗi biến động của nền kinh tế. Khi nền kinh tế gặp khủng hoảng, người nghèo dễ bị tổn thương nhất. Và thất nghiệp chính là yếu tố đẩy nhiều hộ gia đình đến với cái nghèo nhanh nhất. Do đó, các nhà quản lý cần phải lưu ý đến yếu tố này để đưa  ra được những chính sách chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của biến động kinh tế xã hội đối với các đối tượng dễ bị tổn thương.

Được biết, để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa cư dân thành thị và nông thôn, giảm nghèo bền vững, thời gian qua TP Hà Nội đã có nhiều động thái nhằm cải thiện mức thu nhập cũng như mức sống cho hộ nghèo trên địa bàn thủ đô. Theo bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội, Hà Nội đã và đang thực hiện 13 chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung. Trong đó, hỗ trợ mua sắm nguyên vật liệu, vật tư phục vụ đời sống, sản xuất, cụ thể 150.000-200.000 đồng/người/năm; kết hợp với các hội, đoàn thể và gần 9.000 tổ "Tiết kiệm và vay vốn” ở từng địa bàn khu dân cư, thôn, xóm hướng dẫn các hộ nghèo cách làm ăn.

Theo Báo Đại đoàn kết