Những tiền đề cho việc hình thành BHXH ở nước ta
16/07/2019 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngay từ khi thành lập, một trong những mục tiêu được Đảng ta xác định trong Cương lĩnh chính trị là bảo đảm an sinh xã hội cho Nhân dân. Tư tưởng đó là sự kế thừa truyền thống tương thân, tương ái từ nghìn đời của người dân Việt Nam, đồng thời cũng là nền tảng hình thành và phát triển chính sách BHXH ở nước ta sau này...
Ở Việt Nam, từ rất lâu đã xuất hiện các quỹ tương thân, tương ái, gắn liền với cộng đồng làng xã, nhằm cưu mang, giúp đỡ những người gặp phải rủi ro, bất hạnh trong cuộc sống. Hình thức hoạt động chủ yếu là lập các quỹ quản phụ điền, quỹ cô nhi điền… để giúp bà góa, con côi. Một số địa phương lập ra quỹ nghĩa điền, quỹ nghĩa thương… do những người hảo tâm đóng góp để dùng vào việc trợ giúp người khó khăn. Những loại quỹ này được người dân tự giác tham gia đóng góp và có sự giám sát của làng xã nên được sử dụng rất đúng mục đích.
Ngoài ra, ở các làng nghề có sự hình thành các phường hội nghề nghiệp để tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau không chỉ trong nghề nghiệp mà cả trong cuộc sống, nếu không may gặp rủi ro. Nhà nước phong kiến không những khuyến khích phát triển, mà còn dựa trên hoạt động này để đề ra những sắc luật phù hợp, áp dụng trong toàn quốc, như lập các quỹ dự phòng thông qua thuế để tổ chức khám, chữa bệnh cho dân khi có bệnh dịch, đói kém, mất mùa…
Trong thời kỳ Pháp thuộc, những người làm việc trong bộ máy cai trị của Pháp cũng được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) như hưu bổng, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Dưới sự đấu tranh của giai cấp công nhân, đặc biệt là từ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương, người lao động trong các hầm mỏ, nhà máy của Pháp cũng được hưởng một số chế độ BHXH, mặc dù còn hết sức hạn chế.
21 tuổi, ra đi từ bến cảng Nhà Rồng với mong muốn “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, đem lại cơm no, áo ấm cho đồng bào, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và thấu hiểu giá trị của xã hội tiến bộ, công bằng, văn minh, an sinh, hạnh phúc. Chính vì vậy, ngay từ năm 1941, trong Chương trình của Việt Minh do Người soạn thảo, các mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào đã được Người khởi xướng. Đây cũng là những tiền đề hết sức căn bản để xây dựng hệ thống chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) ở nước ta sau này.
Vấn đề BHXH đã được Đảng ta quan tâm từ rất sớm. Ngay từ khi thành lập năm 1929, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam - đã nêu: “Tổ chức tất cả vô sản giai cấp vào công hội, thực hành bảo hiểm cho thợ thuyền, giúp đỡ thợ thuyền thất nghiệp…”. Sau đó, tại Hội nghị Trung ương tháng 11/1940, Đảng đã ra Nghị quyết “sẽ đặt ra Luật BHXH” khi thiết lập được chính quyền cách mạng và tạo lập quỹ hưu bổng cho người già. Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó (Cao Bằng) xây dựng các đoàn thể cứu quốc để tiến tới thành lập Mặt trận Việt Minh. Hội nghị cán bộ tỉnh Cao Bằng của Đảng Cộng sản Đông Dương họp vào cuối tháng 04/1941, dưới sự chủ tọa của các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Vũ Anh đã khẳng định công tác xây dựng các đoàn thể cứu quốc đạt kết quả tốt, chứng tỏ chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh của Nguyễn Ái Quốc là hoàn toàn đúng đắn. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, họp từ ngày 10 – 19/05/1941 trong rừng Khuổi Nậm (thuộc Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), dưới sự chủ tọa của Nguyễn Ái Quốc, đã quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Các tổ chức quần chúng trong Việt Minh đều lấy tên là “hội cứu quốc” như Hội Công nhân cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Quân nhân cứu quốc… Mặt trận Việt Minh tuyên bố chủ trương gồm 02 điều: “Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập/Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”. Chương trình Việt Minh được Nguyễn Ái Quốc soạn thành 01 bài thơ dài theo thể song thất lục bát, gồm 212 câu, được Bộ Tuyên truyền Việt Minh xuất bản, trong đó có đoạn:
“… Công nhân làm lụng gian nan
Tiền lương phải đủ, mỗi ban tám giờ
Gặp khi tai nạn bất ngờ
Thuốc thang Chính phủ bấy giờ giúp cho…
…Nào là những kẻ chức viên
Cải lương đãi ngộ cho yên tấm lòng…
…Người tàn tật, kẻ lão niên
Đều do Chính phủ cấp tiền ăn cho…”.
Tại Tuyên ngôn, Chương trình Việt Minh ngày 25/10/1941 tiếp tục khẳng định: “Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do quốc dân đại hội cử lên, sẽ thi hành những chính sách dưới đây:
… c) Về mặt xã hội: 1. Thi hành luật ngày làm 08 giờ và các luật xã hội khác… thợ thuyền được tự do hưởng Luật lao động… thợ thuyền già có lương hưu trí”.
Có thể thấy ngay từ buổi đầu cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, bản Chương trình Việt Minh cốt thực hiện 02 điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: “Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”. Và nội hàm của khái niệm “sung sướng, tự do” chính là được hưởng các chế độ đãi ngộ, phúc lợi xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Tháng Tám năm 1945, trước diễn biến hết sức sôi động của tình hình chính trị thế giới, việc quân Đồng minh thắng phát xít Đức, Nhật đầu hàng Hồng quân Liên Xô, đã tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, phát triển chế độ tân dân chủ ra khắp thế giới và là điều kiện để cách mạng XHCN nhanh chóng thành công. Tại Nghị quyết của Toàn quốc Hội nghị Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra trong 02 ngày 14 - 15/08/1945 đã xác định, đây là cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập. Trong tình thế vô cùng khẩn cấp, xác định: “Tập trung - tập trung lực lượng vào những việc chính. Thống nhất - thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy. Kịp thời - kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”, mục đích là giành quyền độc lập hoàn toàn. Bên cạnh đó, Nghị quyết của Toàn quốc Hội nghị tiếp tục nhấn mạnh, giành độc lập phải song hành với việc thi hành 10 chính sách Việt Minh. Và cũng tại Nghị quyết của Toàn quốc Hội nghị này, khái niệm BHXH lần đầu tiên được đưa ra: “Thi hành luật ngày làm 08 giờ; đặt Luật BHXH; cứu tế nạn dân”.
Kỳ họp Quốc dân Đại hội diễn ra ngày 16 - 17/08/1945, Nghị quyết về giành chính quyền toàn quốc và thi hành 10 chính sách lớn của Việt Minh tiếp tục đưa ra lời kêu gọi: Quốc dân Đại hội thiết tha hiệu triệu nhân dân toàn quốc, các đoàn thể cách mạng kịp thời đứng lên đoàn kết phấn đấu, để thi hành 10 điều, trong đó tại Điều 7 có viết:
“Ban bố Luật Lao động; ngày làm 08 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm”.
Đây chính là một trong những chủ trương thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Đảng ta đối với việc phát triển hệ thống chính sách xã hội, tạo nền tảng để xây dựng đất nước./.
ThS. Dương Ngọc Ánh
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT