Thua thiệt vì không có hợp đồng lao động

05/10/2016 02:10 AM


hông có hợp đồng, người lao động không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khi xảy ra rủi ro cũng không nhận được sự hỗ trợ từ chủ sử dụng lao động.

Có thâm niên 15 năm làm phụ hồ cho các công trường ở Hà Nội nhưng khi hỏi về việc ký kết hợp đồng lao động, anh Nguyễn Văn Chung  quê Phú Thọ cho biết: “Dù đã nhiều lần bơ vơ, phải ôm quần áo ra đi vào giữa đêm vì bị chủ sa thải vô lý nhưng chưa bao giờ tôi thích ký hợp đồng với người sử dụng lao động. Nghề này, thợ giỏi, thợ cơ khí mới ký hợp đồng, còn thợ hồ, thợ phụ, ký làm gì cho “rách việc”. Ký hợp đồng đồng nghĩa với việc bị ràng buộc trách nhiệm, trong khi không có hợp đồng lúc nào cảm thấy không thoải mái có thể “nhảy” sang công trường khác” - anh Chung nói.

Tình trạng không ký hợp đồng lao động phổ biến ở các doanh nghiệp gia công, thời vụ, nhiều nhất là lao động ngành chế biến thủy sản, dệt may. Vì vậy họ không được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phép năm, không được bảo vệ về mặt pháp lý. Không ít lao động khi bị cho thôi việc chỉ biết ôm áo quần ra đi sau khi nhận được tiền lương công nhật.

NLD 290916.jpg

Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện có 8,46 triệu lao động chưa được ký hợp đồng. Đáng chú ý, có nhiều lao động được ký hợp đồng nhưng theo kiểu “cho có”, nhiều nội dung quan trọng như: Công việc phải làm, hình thức trả lương, các khoản phụ cấp, an toàn vệ sinh lao động  và điều kiện làm việc... không được quy định rõ trong hợp đồng.

“Kiểm tra tại các doanh nghiệp cho thấy, việc giao kết và thực thi hợp đồng lao động của người sử dụng lao động còn có nhiều sai phạm, như: Ký hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều hơn 2 lần liên tiếp; ký hợp đồng thời hạn dưới 3 tháng nhưng giao những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên nhằm trốn đóng bảo hiểm” - Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho biết.

Đánh giá về việc thực thi ký kết hợp đồng trong các doanh nghiệp tại Hà Nội, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Ngô Chí Hùng cho biết: Chỉ có 166 thỏa ước lao động tập thể được gửi về Ban Quản lý (chiếm 25,82%). Đa số doanh nghiệp ký hợp đồng lao động không đầy đủ, chi tiết theo quy định của luật, người ký hợp đồng không đúng thẩm quyền; nhiều doanh nghiệp thuê lại lao động qua các công ty tư vấn không báo cáo cơ quan quản lý và đại diện người lao động (công đoàn cơ sở). Đáng chú ý, theo ông Hùng, thỏa ước lao động tập thể của các doanh nghiệp phần lớn chỉ sao chép lại Bộ luật Lao động và gửi cơ quan quản lý Nhà nước; không tổ chức hội nghị người lao động.

Từ những hạn chế trên, nhiều ý kiến cho rằng để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, việc sửa đổi Bộ luật Lao động cần theo hướng, quy định rõ ai là người đại diện cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức... ký kết hợp đồng lao động. Theo ông Ngô Chí Hùng, rất nhiều người lao động không biết lợi ích của việc ký kết hợp đồng, do đó, cùng với việc sửa đổi luật, cần tăng cường các dịch vụ tư vấn pháp luật, đẩy mạnh đối thoại tại nơi làm việc giúp người lao động nhận biết được quyền lợi của mình và chủ động yêu cầu chủ sử dụng lao động ký hợp đồng.

Theo Báo ĐBND

  • TIN BÀI LIÊN QUAN