Hoàn thiện Đề tài "Đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành"
26/02/2016 12:59 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 26/02, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương đã chủ trì hội thảo lấy ý kiến tham gia của các đơn vị để hoàn thiện Đề tài “Đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHHX, BH thất nghiệp và BHYT”. Tham dự hội nghị có đại diện các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, LĐ-TB&XH, Y tế; Thanh tra chính phủ; cùng BHXH 15 tỉnh, thành phố.
Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống an sinh của nhân dân, đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, làm ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh cơ bản của hàng trăm nghìn NLĐ.
Trước thực trạng này, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Tại Khoản 3, Điều 13 Luật BHXH (sửa đổi) quy định “Cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Theo đó, BHXH Việt Nam cần phải đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.
Trước những yêu cầu cấp thiết nêu trên, và để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đồng thời ngăn ngừa, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các tổ chức, đơn vị, DN thì việc nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện Đề tài “Đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp và BHYT” là cần thiết và cấp bách đối với Ngành BHXH giai đoạn này.
Bằng các phương pháp nghiên cứu lý luận khoa học biện chứng kết hợp phân tích số liệu, thống kê số lớn, so sánh, đánh giá thực trạng, Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu thực hiện Đề tài với mục tiêu: làm rõ sự khác biệt giữa hoạt động thanh tra và thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp và BHYT, từ đó xác định cơ sở cho hoạt động thanh tra chuyên ngành về các lĩnh vực này; phân tích thực trạng công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, tìm ra nguyên nhân và những hạn chế, bất cập trong hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp và BHYT trong thời gian tới; đề xuất các giải pháp và kiến nghị để Ngành BHXH tổ chức thực hiện chức năng này.
Cụ thể, Đề tài được xây dựng gồm 03 chương với kết cấu logic, chặt chẽ cùng các nghiên cứu phản ánh khái quát được thực trạng về tổ chức, hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp và BHYT và việc xử lý các vi phạm này. Đồng thời, từ những tồn tại, hạn chế và trên các bài học kinh nghiệm rút ra, Nhóm nghiên cứu đã đưa ra được một số giải pháp cụ thể để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp và BHYT.
Bên cạnh đó, Đề tài đã xây dựng được quy trình nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp và BHYT của tổ chức BHXH. Hoạt động này sẽ được thực hiện bởi Đoàn Thanh tra, thông qua 03 giai đoạn (cụ thể gồm: Chuẩn bị thanh tra, tổ chức thực hiện thanh tra và kết thúc thanh tra). Và đặc biệt, Nhóm nghiên cứu đã dự thảo được Quyết định ban hành quy định công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp và BHYT.
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao tính cấp thiết và thực tiễn của Đề tài, đồng thời cũng đã đưa ra nhiều ý kiến tham gia, đóng góp có giá trị cho việc hoàn thiện Đề tài.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời yêu cầu Vụ Thanh tra - Kiểm tra (đơn vị chủ trì Đề tài) tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu tại hội thảo và hoàn thiện Đề tài. Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh, Đề tài khi hoàn thiện cần chỉ ra được: đặc thù của thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp và BHYT; mối liên quan và phương thức phối hợp với các đơn vị thanh tra của các Bộ, Ngành chức năng; hệ thống được các văn bản pháp luật còn chồng chéo, ảnh hướng tới quá trình triển khai chức năng thanh tra chuyên ngành và đưa ra các kiến nghị đề nghị sửa đổi, hủy bỏ, bổ sung đối với từng cấp, Bộ, Ngành có thẩm quyền; các yếu tố cần và đủ cả về phương tiện, nhân sự để thực hiện chức năng này./.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT