Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22 và Kết luận số 58 của Bộ Chính trị
17/12/2013 07:03 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 11/12/2013, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam ban hành Chương trình hành động số 150-CTHĐ/BCS về thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Kết luận số 58-KL/TW ngày 02/4/2013 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Hội thảo về chính sách An sinh xã hội ở nước ta - một số vấn đề lý luận và thực tiễn: Cơ sở lý luận để xây dựng các Nghị quyết về An sinh xã hội (Ảnh minh họa)
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) đã xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”.
Nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương quan trọng nêu trên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 về hội nhập quốc tế và Kết luận số 58-KL/TW ngày 02/4/2013 về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới.
Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam ban hành Chương trình hành động thực hiện với những nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Xác định các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngành BHXH nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 22-NQ/TW và Kết luận số 58-KL/TW.
b) Là căn cứ để các cấp ủy Đảng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an và BHXH Ban Cơ yếu Chính phủ chỉ đạo, lãnh đạo, cụ thể hóa thành chương trình công tác để đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế góp phần thực hiện phát triển ngành BHXH giai đoạn 2012 – 2020.
2. Yêu cầu
a) Các cấp ủy Đảng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an và BHXH Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TW và Kết luận số 58-KL/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của ngành BHXH đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị.
b) Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành BHXH phải nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hội nhập quốc tế và một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, từ đó nâng cao ý thức, xác định trách nhiệm của bản thân nghiêm túc chấp hành các quy định của Nhà nước, của ngành BHXH trong việc hội nhập và hợp tác trong lĩnh vực an sinh xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của Ngành.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Ngành BHXH phấn đấu thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ quản lý và thủ tục giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT; phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT nhất là BHXH tự nguyện; Đổi mới phương thức thu BHXH, BHYT và chi trả chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp BHTN hàng tháng qua các tổ chức dịch vụ công ích của nhà nước, đảm bảo tính chuyên nghiệp hiệu quả cao. Củng cố và tăng cường quản lý quỹ BHXH, BHYT; Tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế để áp dụng công nghệ quản lý và đầu tư quỹ hiệu quả. Đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH, BHYT để đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế và phục vụ yêu cầu ngày càng cao của người thụ hưởng BHXH, BHYT.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
a) Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; 35% lực lượng lao động tham gia BHTN và trên 80% dân số tham gia BHYT.
b) Liên thông, kết nối thông tin được giữa các cơ quan thuộc ngành BHXH với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT thuộc ngành y tế và các đơn vị tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHTN thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Ban Thực hiện chính sách BHYT chủ trì, BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương:
a) Triển khai Đề án Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 – 2015 và 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/3/2013.
b) Chủ động thực hiện phối hợp với ngành Y tế, tích cực tham gia với các Bộ, ngành trong việc soạn thảo, sửa đổi bổ sung Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chính sách BHYT.
2. Ban Thực hiện chính sách BHXH chủ trì, BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương:
Tập trung nghiên cứu tham gia với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc sửa đổi, bổ sung Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH.
3. Ban Hợp tác Quốc tế chủ trì với các đơn vị liên quan:
a) Triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế Ngành BHXH đến năm 2020”, hoàn thành trước năm 2015.
b) Chủ động tích cực tham gia vào các thể chế đa phương trong lĩnh vực an sinh xã hội mà Việt Nam đã là thành viên như Hiệp hội an sinh xã hội ASEAN (ASSA), Diễn đàn đền bù cho người lao động Châu Á (AWCF) nhằm thúc đẩy an sinh xã hội trong khu vực và góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN bền vững vào năm 2015; dự kiến xin phép Chính phủ gia nhập Hiệp hội an sinh xã hội quốc tế (ISSA) vào năm 2014.
c) Tăng cường hợp tác song phương và tranh thủ các nguồn lực quốc tế để hiện đại hóa ngành BHXH, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý BHXH, BHYT.
4. Ban Tổ chức Cán bộ chủ trì, BHXH các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam phối hợp:
Đánh giá tình hình tổ chức thực hiện Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 và Nghị định số 116/2011/NĐ-CP ngày 14/12/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Trên cơ sở đó đề xuất, trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam cho phù hợp với thực tiến giai đoạn 2013 – 2020.
5. Ban Cấp sổ, thẻ chủ trì, BHXH các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam phối hợp:
Tổ chức chuyển đổi việc cấp mã sổ BHXH, thẻ BHYT theo số định danh đối tượng quản lý, đảm bảo từ năm 2016 thống nhất quản lý đối tượng theo số định danh nhằm loại bỏ việc trùng lắp dữ liệu, trên cơ sở đó hoàn thiện mẫu số BHXH, thẻ BHYT phù hợp với việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý.
6. Ban Kế hoạch – Tài chính chủ trì phối hợp với BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện Đề án “Quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất của ngành BHXH Việt Nam đến năm 2022 và tầm nhìn đến năm 2030”.
7. Trung tâm Thông tin chủ trì phối hợp với Ban Chi, Ban Kế hoạch – Tài chính, BHXH các tỉnh, thành phố: đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH, BHYT.
a) Giai đoạn 2013 – 2015
- Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp phần mềm nghiệp vụ, phần mền quản lý nội bộ theo hướng giảm thiểu sử dụng công văn giấy và phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên mạng Internet; xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo mạng LAN ở 3 cấp; xây dựng hoàn chỉnh các mạng WAN của BHXH cấp tỉnh và của Ngành.
- Đầu tư mua sắm, trang bị máy chủ, máy trạm, máy tính cá nhân đạt các chỉ tiêu sau: BHXH cấp tỉnh đạt 3 đến 5 máy chủ/tỉnh; BHXH cấp huyện đạt 1 đến 2 máy chủ/huyện; đủ máy tính cá nhân để đáp ứng yêu cầu công việc.
- Đầu tư theo tiến độ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu và một số dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung của Ngành, đảm bảo liên thông, kết nối thông tin được giữa các đơn vị BHXH trên địa bàn tỉnh, thành phố.
- Đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu toàn Ngành ở mức độ phù hợp với yêu cầu xử lý và an ninh thông tin của các cơ sở dữ liệu và dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung của Ngành trong giai đoạn này.
b) Giai đoạn 2016 – 2020
- Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hệ thống phần mền quản lý nghiệp vụ theo mô hình xử lý tập trung tại Trung ương; nâng cấp, xây dựng mới các cơ sở dữ liệu của Ngành; mở rộng, hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên mạng Internet; mở rộng, hoàn thiện các phần mền quản lý nội bộ theo hướng văn phòng điện tử; tiếp tục hoàn thiện, mở rộng năng lực mạng WAN của các tỉnh và Ngành; tiếp tục nâng cấp, cải tạo mạng LAN ở cả 3 cấp.
- Đầu tư mua sắm bổ sung thiết bị máy chủ, máy trạm, thiết bị lưu trữ, thiết bị chuyên dụng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục vụ của Ngành.
- Đầu tư theo tiến độ triển khai đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và hoàn thiện dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung của Ngành, đảm bảo đến năm 2017 liên thông, kết nối thông tin trong toàn Ngành; đến năm 2020 liên thông, kết nối thông tin được giữa ngành BHXH Việt Nam với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT thuộc ngành y tế và các đơn vị tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp thuộc ngành lao động.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các cấp ủy Đảng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung của Nghị quyết số 22-NQ/TW và Kết luận số 58-KL/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động, đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể ở đơn vị mình, trong đó phải thể hiện bằng các đề án, nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể để thực hiện kịp thời, hiệu quả những nội dung, nhiệm vụ đã nêu trong Chương trình hành động của Ban Cán sự, báo cáo về BHXH Việt Nam.
2. Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an và BHXH Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 22-NQ/TW và Kết luận số 58-KL/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động này; đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể ở đơn vị mình, trong đó phải thể hiện bằng các đề án, nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể để thực hiện kịp thời, hiệu quả những nội dung đã nêu trong Chương trình hành động của Ban Cán sự. Định kỳ tháng 12 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động này trong báo cáo công tác về BHXH Việt Nam.
3. BHXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Tài chính và các ban, ngành, đoàn thể liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW và Kết luận số 58-KL/TW và báo cáo kết quả thực hiện về BHXH Việt Nam trước ngày 20/01 năm sau.
4. Giao Ban Kế hoạch – Tài chính làm đầu mối tổng hợp tình hình triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW và Kết luận số 58-KL/TW của Bộ Chính trị trong toàn Ngành để báo cáo Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam./.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT