Tập trung ý kiến tham gia, kiến nghị nội dung Dự án Luật BHXH (sửa đổi)
28/04/2014 09:50 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 23/04/2014, BHXH Việt Nam tổ chức buổi họp, thảo luận, tham gia ý kiến về một số nội dung của Dự án Luật BHXH (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh. Tham dự có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương cùng đại diện lãnh đạo các vụ chức năng của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Buổi họp tập trung thảo luận các vấn đề về tổ chức BHXH; thanh tra chuyên ngành chính sách BHXH; bổ sung thêm một số quy định quản lý thu, chi BHXH; chi phí quản lý, từ đó tham gia kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật BHXH phù hợp với thực tiễn.
BHXH Việt Nam thực hiện dịch vụ công đặc biệt
Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phân tích: BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện dịch vụ công đặc biệt do Nhà nước giao, vừa có chức năng quản lý nhà nước, vừa ban hành các bộ thủ tục hành chính thực hiện BHXH và kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHXH. Trên thực tế, BHXH Việt Nam không phải là tổ chức sự nghiệp đơn thuần mà thực hiện dịch vụ công đặc biệt phục vụ con người. Trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã thể hiện BHXH là tổ chức đan xen cả sự nghiệp và quản lý nhà nước, không phải đơn vị sự nghiệp đơn thuần mà thực hiện cả các dịch vụ công đặc biệt, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý tài chính, đầu tư tăng trưởng quỹ. Chính vì vậy, BHXH Việt Nam đề xuất sửa lại Khoản 01, Điều 93 Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) theo hướng tổ chức BHXH là cơ quan chuyên ngành thuộc Chính phủ, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, quản lý quỹ BHXH do Nhà nước giao theo Luật BHXH.
Lập luận về cơ sở pháp luật, Trưởng ban Pháp chế, BHXH Việt Nam Phan Văn Mến cho biết: Điều 106 Luật BHXH hiện hành quy định BHXH Việt Nam là tổ chức sự nghiệp đã thể hiện nhiều bất cập và không phù hợp với tình hình thực tiễn. Mặt khác, trong các nhiệm vụ của BHXH rất sát với nhiệm vụ chức năng quản lý nhà nước như tổ chức triển khai hướng dẫn các quy định. Bản thân Nghị định 05 quy định BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BH thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ... Đây là một thuận lợi rất lớn trong việc xác định tình chất tổ chức của Ngành BHXH. Đồng chí Phan Văn Mến đề nghị giữ đúng tên gọi BHXH Việt Nam như trong Nghị định 05 và thêm cụm từ quỹ quản lý tài chính.
Cần trao chức năng thanh tra cho BHXH Việt Nam
Nhận định về tình hình nợ đọng, Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết: hiện nay tình hình nợ BHXH diễn ra ở hầu hết các địa phương. Tính đến hết tháng 12/2013, tổng số nợ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT là trên 6,4 nghìn tỷ đồng; tính đến 31/03/2014, tổng số nợ BHXH, BHTN, BHYT trên 11 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt có tình trạng, nhiều doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động (trích tiền đóng BHXH của người lao động nhưng không đóng vào quỹ BHXH) làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động trong khi lực lượng thanh tra lao động quá mỏng. Hiện nay, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội trên cả nước mới có gần 500 cán bộ thanh tra, phạm vi thanh tra lại rất rộng nên công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực BHXH chưa đáp ứng được yêu cầu nên phải có giải pháp phù hợp.
Theo thống kê của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay có khoảng 16 triệu người có quan hệ lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nhưng cơ quan BHXH chỉ thu được 11 triệu người và còn trên 05 triệu người không tham gia BHXH. Điều này cũng đồng nghĩa việc trên 05 triệu người này đã mất quyền An sinh xã hội cơ bản. Còn theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hiện có trên 300.000 đơn vị đang hoạt động, cơ quan BHXH chỉ quản lý được gần 150.000 đơn vị đăng ký tham gia BHXH. Như vậy, có đến 50% số doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Nếu không có biện pháp buộc chủ sử dụng lao động tuân thủ pháp luật về BHXH thì mục tiêu đến năm 2020 sẽ khó đạt được trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh: hiện nay tỷ lệ nợ BHXH luôn chiếm khoảng 4,5- 05% số phải thu, nếu không có chức năng thanh tra thì Ngành BHXH khó mà hoàn thành nhiệm vụ và sẽ ảnh hưởng đến các chính sách An sinh xã hội thiết yếu. Do đó, Luật BHXH (sửa đổi) phải tăng thẩm quyền cho BHXH Việt Nam để thực hiện tốt việc xử phạt hành vi trốn đóng, nợ đọng BHXH. Tổng Giám đốc khẳng định: Nếu được giao chức năng thanh tra, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện tốt hơn thẩm quyền của mình và có trách nhiệm cao hơn với chức năng và nhiệm vụ được giao.
Tại Khoản 03, Điều 21 Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định tổ chức BHXH có quyền thanh tra chuyên ngành về chính sách BHXH khi được Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ủy quyền. Quy định này nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của tổ chức BHXH, đồng thời tăng cường lực lượng thanh tra, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, khắc phục những bất cập trong thực tiễn, hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, phát triển nhanh đối tượng tham gia. BHXH Việt Nam đã thực hiện hoàn toàn 05/07 nội dung quản lý nhà nước và thực hiện một phần trong 02/07 nội dung còn lại, trong đó có cả nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo thì việc giao chức năng thanh tra cho tổ chức BHXH là có cơ sở.
Trong khi chưa sửa Luật Thanh tra mà phương án giao chức năng thanh tra cho tổ chức BHXH chưa được chấp thuận, BHXH Việt Nam đề nghị nghiên cứu bổ sung phương án giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực BHXH cho tổ chức BHXH để đảm bảo cho Ngành hoàn thành nhiệm vụ.
Bổ sung một số quy định về quản lý thu, chi BHXH
Hiện nay, cùng với Luật Thuế đã có Luật Quản lý thuế để tổ chức thực hiện thu thuế của cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân phải đóng thuế. Vì vậy, về lâu dài, Luật BHXH cũng phải có Luật Quản lý BHXH để quản lý đơn vị sử dụng lao động và người lao động để thu các khoản đóng BHXH bắt buộc cho người lao động, sau đó giải quyết quyền lợi cho người lao động trên các khoản đóng góp này. Trước mắt BHXH Việt Nam đề nghị bổ sung thêm quy định về quản lý thu, chi trong Dự án Luật BHXH (sửa đổi) nhằm có những quy định chi tiết, thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Về chi phí quản lý của Ngành BHXH, để việc xác định cho phí quản lý BHXH đơn giản, chặt chẽ, chính xác, đầy đủ trong năm tài chính, không phải thực hiện điều chỉnh dự toán hàng năm, tạo điều kiện cho Ngành BHXH chủ động về nguồn kinh phí hoạt động trong thực hiện nhiệm vụ thu, chi và quản lý Quỹ BHXH, BHXH Việt Nam đề xuất sửa Khoản 02, Điều 90 theo hướng: chi phí quản lý BHXH được trích theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số thực thu BHXH hằng năm. Mức cụ thể do Chính phủ quy định sau khi có ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội định kỳ 05 năm một lần.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc mong muốn thời gian tới các Bộ, ngành cùng với BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc sửa đổi, bổ sung Luật BHXH. Tổng Giám đốc giao Ban thu viết báo cáo về tình hình thu, nợ đọng; phân tích số liệu cụ thể; bổ sung thêm kinh nghiệm các nước trên thế giới… và tên gọi BHXH Việt Nam khẳng định là cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao. Đặc biệt, Ban thu, Ban thực hiện chính sách BHXH, BHYT phải theo sát Tổ soạn thảo Luật BHXH. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHXH sẽ tạo điều kiện cho BHXH Việt Nam hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo An sinh xã hội đất nước./.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT