Ngành BHXH Việt Nam: Những dấu mốc trên chặng đường phát triển
05/02/2025 11:19 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) ở nước ta ra đời và phát triển gắn liền với quá trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng và phát triển đất nước. Trong từng giai đoạn lịch sử, chính sách BHXH đã được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ và người dân.
Trước yêu cầu đổi mới của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc xây dựng một hệ thống BHXH hoàn chỉnh trở nên cần thiết. Ngày 15/4/1992, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII (Hiến pháp 1992). Cụ thể hóa các quy định tại Điều 56 Hiến pháp 1992, ngày 22/6/1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43-CP quy định tạm thời chế độ BHXH, trong đó quy định cụ thể 05 chế độ BHXH . Nghị định 43-CP là tiền đề quan trọng cho công cuộc cải cách hệ thống BHXH ở Việt Nam.
Giai đoạn 1995 - 2001: Trước khi hợp nhất bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT
Tổ chức bộ máy BHXH: Trên cơ sở Bộ luật Lao động có hiệu lực từ 01/01/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/CP ngày 26/01/1995 ban hành Điều lệ BHXH và Nghị định 19/CP ngày 16/02/1995 thành lập BHXH Việt Nam. Ngày 26/09/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 606/TTg, thiết lập Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam là cơ quan quản lý cao nhất của BHXH Việt Nam; BHXH Việt Nam được tổ chức thành hệ thống ngành dọc 3 cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển quan trọng trong đổi mới chính sách BHXH tại Việt Nam, phù hợp với chuyển đổi sang kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Cụ thể: (i) Hình thành Quỹ BHXH độc lập, tách biệt khỏi ngân sách Nhà nước (ii) Quỹ BHXH được xây dựng trên nguyên tắc đóng góp chung của NLĐ, người SDLĐ và Nhà nước (iii) Khẳng định nguyên tắc đóng - hưởng của BHXH (iv) Mở rộng đối tượng tham gia BHXH đến mọi thành phần kinh tế, đồng thời kết thúc 50 năm thực hiện chính sách BHXH theo mô hình phân tán.
Đến cuối năm 1995, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội danh sách chi trả các chế độ BHXH hằng tháng cho gần 1,8 triệu người. Quỹ BHXH thu hơn 696 tỷ đồng và cấp hơn 1.173 tỷ đồng cho BHXH tỉnh, thành phố, trong đó 24,4 tỷ đồng dành cho lương hưu, ốm đau và thai sản.
Tổ chức bộ máy BHYT: Từ cuối năm 1998, BHYT Việt Nam được tổ chức theo hệ thống tập trung ba cấp theo Nghị định 58/1998/NĐ-CP. Hội đồng quản lý BHYT Việt Nam là cơ quan quản lý, giám sát hoạt động của BHYT Việt Nam, bao gồm đại diện của các Bộ (Y tế, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và BHYT Việt Nam). Đến hết năm 2001, hệ thống BHYT Việt Nam có gần 3.000 cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) và NLĐ. Để tăng cường sự lãnh đạo thực hiện các chế độ BHXH, Ngày 26/5/1997, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW nhằm tăng cường lãnh đạo thực hiện các chế độ BHXH, yêu cầu các tổ chức đảng tại mọi cấp tập trung chỉ đạo việc thực hiện BHXH đối với NLĐ.
Đồng chí Hồ Tế - Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH cùng lãnh đạo BHXH Việt Nam khai trương trụ sở làm việc BHXH Việt Nam - số 7 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội, ngày 4/2/1999
Giai đoạn 2002 - 2005: Hợp nhất bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT
Ngày 24/01/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg, chuyển giao BHYT từ BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng, hình thành hệ thống BHXH, BHYT tập trung, thống nhất, bảo vệ quyền lợi NLĐ trong thời kỳ đổi mới.
Ngày 06/12/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Theo đó: BHXH Việt Nam đã tiếp nhận thêm nhiệm vụ thực hiện chế độ BHYT cho người tham gia và quản lý thu - chi Quỹ BHYT. Sự hợp nhất này đã thúc đẩy việc bao phủ BHYT tăng nhanh từ 28% lên 36% chỉ sau 1 năm. Điểm nổi bật của giai đoạn này là sự chuyển đổi trong chính sách của Nhà nước từ việc cấp ngân sách trực tiếp cho bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT, đặc biệt ưu tiên các nhóm đối tượng yếu thế như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh và hộ cận nghèo. Nhờ đó, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân được cải thiện đáng kể, đồng thời hiệu quả hoạt động của hệ thống BHYT và BHXH cũng được nâng cao. Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam gồm đại diện lãnh đạo của 5 Bộ, ngành (Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam), bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các Bộ, ngành trong việc quản lý và thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2005 đánh dấu sự hợp nhất bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH và BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách hiệu quả, chuyên nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc hợp nhất này không chỉ mở rộng phạm vi bao phủ BHYT, mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi y tế và ASXH cho người dân, đặc biệt là những nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.
Giai đoạn 2006 - 2015: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT
Trong giai đoạn này, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, chú trọng đối với chính sách BHXH, BHYT cũng như việc tổ chức thực hiện , đánh dấu sự phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách và pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT nhằm xây dựng một hệ thống ASXH bền vững, bảo vệ NLĐ trong bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều biến động và phát triển.
Về BHXH: Ngày 29/6/2006, Quốc hội thông qua Luật BHXH (Luật BHXH 2006), tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc triển khai chính sách BHXH toàn diện và hiệu quả hơn. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 đối với BHXH bắt buộc; từ ngày 01/01/2008 đối với BHXH tự nguyện và từ ngày 01/01/2009 đối với BHTN. Luật BHXH năm 2006 đã đưa ra nhiều quy định quan trọng nhằm mở rộng người tham gia và thụ hưởng BHXH, tạo sự công bằng và hỗ trợ tốt hơn cho NLĐ. Đặc biệt, Luật này cũng đặt nền tảng cho chính sách BHTN, đánh dấu bước phát triển mới trong hệ thống ASXH ở Việt Nam.
Đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 21-NQ.TW của Bộ Chính trị, ngày 20/3/2013
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm tính phù hợp với thực tiễn, Luật BHXH 2014 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2016. Luật này tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm cả người làm việc theo hợp đồng ngắn hạn và người nước ngoài có giấy phép lao động. Bên cạnh đó, Luật BHXH 2014 cũng linh hoạt hóa phương thức đóng BHXH tự nguyện, cho phép NLĐ lựa chọn mức đóng phù hợp với khả năng tài chính, đồng thời bổ sung chính sách hỗ trợ của Nhà nước để khuyến khích người dân tham gia. Việc thay đổi cách tính lương hưu nhằm bảo đảm công bằng và phản ánh chính xác hơn quá trình đóng góp của NLĐ, góp phần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hệ thống BHXH. Đặc biệt, Luật BHXH 2014 lần đầu tiên giao thẩm quyền thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH, giúp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Tóm lại, những cải tiến trong Luật BHXH 2006 và 2014 đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống ASXH, mở rộng phạm vi bao phủ BHXH, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
Về BHYT: Luật BHYT 2008 ra đời, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc hướng tới BHYT toàn dân. Luật này thay thế Điều lệ BHYT 1992, khắc phục những tồn tại trước đây, chuyển từ hình thức thu phí dịch vụ sang bảo hiểm, giảm gánh nặng chi phí cho người bệnh và bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản.
Năm 2014, Luật BHYT được sửa đổi, bổ sung với những điểm nổi bật như: BHYT trở thành bắt buộc với toàn dân, quyền lợi người tham gia được nâng cao (mở rộng danh mục thuốc, tăng tỷ lệ thanh toán...) và quỹ BHYT được quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn. Những thay đổi này góp phần mở rộng phạm vi bao phủ BHYT, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và hướng tới mục tiêu mọi người dân đều được bảo vệ sức khỏe.
Về BHTN: Năm 2013, Luật Việc làm ra đời, tách BHTN khỏi Luật BHXH, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách. BHXH Việt Nam vẫn đảm nhiệm việc quản lý quỹ BHTN. Chính sách BHTN tập trung hỗ trợ NLĐ mất việc làm thông qua trợ cấp thất nghiệp (TCTN), BHYT và hỗ trợ đào tạo, tìm kiếm việc làm mới. Điều này góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của thất nghiệp, ổn định kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống ASXH bền vững.
Về An toàn vệ sinh lao động: Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 có những điểm mới liên quan đến BHXH, đặc biệt là chế độ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN). Luật này mở rộng phạm vi áp dụng cho cả NLĐ không có quan hệ lao động, tăng cường trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong việc bảo đảm an toàn lao động và nâng cao hiệu quả bảo vệ sức khỏe NLĐ.
Về cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam: Nghị định 94/2008/NĐ-CP quy định BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Nghị định 116/2011/NĐ-CP mở rộng cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam lên 22 đơn vị , nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và NLĐ.
Giai đoạn 2006 - 2015 là giai đoạn quan trọng, đánh dấu sự hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Những nỗ lực này góp phần mở rộng phạm vi bao phủ, nâng cao quyền lợi người tham gia, tăng cường quản lý quỹ hiệu quả và xây dựng hệ thống ASXH bền vững, bảo vệ người lao động trước những biến động kinh tế - xã hội.
BHXH Việt Nam bứt phá trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT toàn dân; cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số hướng tới phương châm “lấy sự hài lòng của người dân là thước đo; xác định người dân, NLĐ, đơn vị sử dụng lao động là trung tâm của sự phục vụ”
Giai đoạn 2016 - nay: Bứt phá trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT toàn dân
Năm 2016, hai Nghị định quan trọng ra đời, góp phần củng cố và hiện đại hóa hệ thống BHXH, BHYT: (i) Nghị định 01/2016/NĐ-CP : Khẳng định vai trò của BHXH Việt Nam trong quản lý và thực hiện chính sách, đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý thông qua thanh tra chuyên ngành (ii) Nghị định 166/2016/NĐ-CP: Tạo hành lang pháp lý cho giao dịch điện tử, hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Cùng với đó, Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2017 tập trung nâng cao sức khỏe người dân, xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng. Đặc biệt, Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách BHXH đã đặt mục tiêu phát triển hệ thống BHXH toàn dân, đa tầng, linh hoạt, bền vững và hội nhập quốc tế. Những nỗ lực này góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT.
BHXH Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và ứng dụng công nghệ, cụ thể: Triển khai hệ thống hỗ trợ đa kênh (năm 2017): Giải đáp thắc mắc, bảo vệ quyền lợi người tham gia; Thành lập Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng theo Nghị định 89/2020/NĐ-CP năm 2020: Chủ động chăm sóc, nâng cao trải nghiệm người dùng và chất lượng phục vụ; Triển khai ứng dụng VssID: Tiện lợi, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về BHXH, BHYT mọi lúc, mọi nơi.
Nghị định 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021, BHXH Việt Nam được giao quản lý CSDLQG về bảo hiểm, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành và quốc gia. Là đơn vị tiên phong trong Đề án 06, BHXH Việt Nam tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQG về bảo hiểm và dân cư.
Đặc biệt, trong giai đoạn này từ năm 2020 - 2024, tình hình quốc tế và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine, hậu quả kéo dài của đại dịch Covid-19, lạm phát toàn cầu, giá nguyên liệu tăng cao, và chuỗi cung ứng đứt gãy. Tại Việt Nam, dù kinh tế từng bước phục hồi, ngành BHXH vẫn đối diện nhiều thách thức như giá đầu vào tăng, thiếu hụt lao động, và số người tham gia BHYT giảm 4,9 triệu so với cuối năm 2021.
Trước tình hình này, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, đề xuất và triển khai các chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Các chính sách như Nghị quyết số: 42/NQ-CP, 154/NQ-CP, 68/NQ-CP, 116/NQ-CP và các giải pháp giảm đóng quỹ BHTN, BHXH đã được triển khai nhanh chóng, minh bạch. Hệ thống dữ liệu và quy trình cải tiến giúp giảm thủ tục, tăng hiệu quả hỗ trợ.
Kết quả, hơn 47,2 nghìn tỷ đồng đã được giải ngân, chiếm 45,2% tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ. Trong đó, 13,3 triệu NLĐ nhận hỗ trợ trực tiếp từ quỹ BHTN với tỷ lệ chi trả qua tài khoản ngân hàng đạt 99,3%. Đồng thời, mức đóng các quỹ bảo hiểm cũng được giảm, hỗ trợ đào tạo học nghề với tổng số tiền 15.428,2 tỷ đồng cho trên 739 nghìn đơn vị sử dụng lao động. Những kết quả này khẳng định vai trò tích cực của BHXH Việt Nam trong việc đồng hành cùng Chính phủ và các Bộ, ngành vượt qua khó khăn, bảo đảm quyền lợi người tham gia BHXH, BHTN, góp phần ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong năm 2024, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các Bộ, ngành Trung ương trong việc xây dựng, sửa đổi chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT ( cụ thể: Luật BHXH số 41/2024/QH15; Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật số 44/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược;…); Các đề xuất của BHXH Việt Nam cơ bản được tiếp thu, đưa vào các dự thảo Luật và đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, thứ 8 Quốc hội khóa XV. Bên cạnh đó, các ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao từ các cấp, các ngành ( cụ thể: Luật Việc làm (sửa đổi), các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật,…).
Có thể thấy, trải qua ba thập kỷ, ngành BHXH Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Từ những nền tảng sơ khai, chính sách BHXH, BHYT, BHTN đã không ngừng được hoàn thiện, mở rộng phạm vi bao phủ, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm quyền lợi cho người lao động cũng như toàn thể nhân dân. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế - xã hội nhiều biến động, BHXH Việt Nam đã chứng tỏ vai trò trụ cột khi kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ, góp phần ổn định đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế./.
https://baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT