Thêm cơ hội giúp trẻ khiếm thính hòa nhập cộng đồng

15/11/2022 09:27 AM


Đó là dự án mà anh Nguyễn Văn Hoài Nam - Chủ nhiệm CLB Thiện nguyện yêu thương đang thực hiện ở “Lặng Art Coffee” để giúp trẻ khiếm thính có thêm cơ hội việc làm, có thu nhập, từng bước học cách hòa nhập và tạo nên những giá trị hữu ích cho cộng đồng.
 
 Làm bánh trở thành niềm vui của các bạn học sinh khiếm thính
Làm bánh trở thành niềm vui của các bạn học sinh khiếm thính
 
Ở “Lặng Art Coffee”, mùi trà thơm, bánh nướng tỏa ra trong không gian nhỏ ấm cúng dễ làm say lòng khách khi đặt những bước chân đầu tiên vào đây. Trong gian bếp nhỏ, K’Triển, Sơn và Thanh chăm chú với công việc của mình một cách lặng lẽ. Ở đây cũng ít khi xuất hiện tiếng nói cười nhưng không khí vui vẻ luôn hiện diện.
 
Quán cà phê nằm trong khuôn viên Trường Khiếm thính Lâm Đồng, bình yên như chính tên gọi của mình. Nơi đây trưng bày hàng trăm sản phẩm tranh thêu tay, quần áo được vẽ trang trí, nông sản sấy khô, hàng thủ công mỹ nghệ... do các em học sinh khiếm thính làm dưới sự hướng dẫn của thầy cô.
 
Những năm gần đây, Trường Khiếm thính tăng cường dạy nghề nghiệp và tạo điều kiện cho các em tiếp xúc nhiều nghề khác nhau để tìm ra thế mạnh, năng khiếu của mình. Các nghề thêu, may, làm bánh, làm xà phòng, làm hoa giấy... đều thu hút các em học sinh. “Ban đầu, mình chỉ có ý định gửi bán sản phẩm bánh ở đây, rồi dùng tiền bán được quyên góp hay tổ chức các hoạt động từ thiện cho trường. Nhưng khi thấy các bạn rảnh rỗi vào một số buổi chiều, mình muốn dạy nghề để các em tham gia cùng. Mình đã xin trường mở bếp để dạy các bạn làm bánh và mua lại sản phẩm để các bạn có thêm kinh phí trang trải cuộc sống”, anh Nguyễn Văn Hoài Nam - Chủ nhiệm CLB Thiện nguyện yêu thương, đồng thời là người sáng lập thương hiệu “Người lạ Coffee” chia sẻ.
 
Theo anh Nam, công việc nặn bột thành những chiếc bánh hình hạt cà phê không khó, nhưng đòi hỏi các bạn phải tỉ mỉ lẫn khéo tay để cho ra thành phẩm đẹp mắt. Cái khó của các bạn học sinh khiếm thính đó là chưa quen những công việc tỉ mỉ. Phải mất khoảng 1 tháng để các bạn có thể tập trung và cố gắng nặn thành từng hạt đều nhau.
 
Khi sản phẩm đến tay khách hàng, hầu hết đều bất ngờ khi biết bánh được làm từ đôi tay của các bạn học sinh khiếm thính. “Mình muốn khách hàng mua và cảm nhận chất lượng, vị ngọt thơm từ những chiếc bánh rồi mới kể câu chuyện về công việc của các bạn khuyết tật vì mình không muốn bán hàng trên sự thương cảm. Khi biết rồi, khách hàng sẽ ghi nhận và trân quý hơn công sức lao động của các bạn khi đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn để làm ra sản phẩm này”, anh Hoài Nam chia sẻ.
 
Ngoài giờ học ở trường, mỗi tuần K’Triển, Thanh, Sơn, Huân đến bếp bánh làm việc trong 3 buổi chiều. Từ những vụng về, lóng ngóng ban đầu, nay ai nấy đều đã thuần thục hơn. Theo anh Nam, điều đáng quý nhất là dù có khó khăn lúc ban đầu nhưng các bạn đã chịu học hỏi và kiên trì làm việc. Đây cũng là một phần tác phong mà anh mong các bạn có thể học được bởi nó sẽ giúp ích cho các bạn sau khi kết thúc việc học ở trường, tự lập trong cuộc sống của mình.
 
“Ban đầu không quen, em làm xấu lắm, mỏi tay với ngồi nhiều đau lưng nữa. Nhưng giờ thì quen rồi, mỗi chiều có thể làm được 3, 4 khay. Công việc này cũng phù hợp với tụi em”, K’Triển - cậu học trò đến từ Lâm Hà chia sẻ. Đây cũng là lần đầu tiên K’Triển được nhận tiền lương trong 5 tháng liền. Số tiền ấy chưa nhiều, nhưng là điều mà em mong chờ nhất. Có lương, Triển có thể mua sắm thêm quần áo mới, một số đồ dùng sinh hoạt hằng ngày và gửi về nhà cho bố mẹ. 
 
Hầu hết học sinh khiếm thính đều được tạo cơ hội việc làm nhưng không phải ai cũng đủ quyết tâm cũng như khả năng để tìm kiếm công việc phù hợp với hoàn cảnh, sở thích của mình. Nhiều em có năng khiếu nhưng trước đó còn gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, di chuyển nên chưa thể tiếp cận được hết các ngành nghề mà mình mong muốn.
 
Hiện nay, Dự án “Người lạ Coffee” của anh Hoài Nam cũng đang mở rộng các kênh bán hàng khác để tăng số lượng tiêu thụ, khuyến khích các bạn làm nhiều hơn. Đồng thời giúp các bạn hình thành tư duy trong công việc cùng với thái độ làm việc nghiêm túc để trở thành những lao động bình thường. Bởi chỉ có như thế thì các bạn mới có động lực để học tập, làm việc và sau này có thể hòa nhập cộng đồng, tự tìm kiếm việc làm để ổn định cuộc sống.
 
HỒNG THẮM

Báo Lâm Đồng