10 năm dạy nghề lao động nông thôn (bài 2)

01/11/2022 08:59 AM


Bài 2: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
 
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn. Đặc biệt, số lao động sau học nghề có việc làm chiếm tới 86,2%. 
 
Các cơ sở dạy nghề thường xuyên điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Ảnh tư liệu
Các cơ sở dạy nghề thường xuyên điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Ảnh tư liệu
 
Để nắm bắt cũng như dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, vào năm 2014, tỉnh đã triển khai điều tra mẫu với 6.000 hộ ở 44 thôn thuộc 12 huyện, thành phố trong tỉnh. Kết quả cho thấy, có tới 51% số hộ có nhu cầu học nghề. Các ngành nghề mà người dân có nhu cầu học chủ yếu là các nghề phổ biến áp dụng trực tiếp vào sản xuất, sinh hoạt ở vùng nông thôn, trong đó ngành Nông nghiệp chiếm 58%, ngành Công nghiệp - Xây dựng chiếm 25% và ngành Du lịch chiếm 17%. Từ đó đến nay, hàng năm tỉnh đều tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. 
 
Mặt khác, tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở dạy nghề thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn sao cho bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, tỉnh đã đặt hàng các cơ sở đào tạo xây dựng 13 chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp; chỉnh sửa, bổ sung 32 chương trình. Song song đó, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề rà soát, bổ sung danh mục trình độ nghề sơ cấp và dưới 3 tháng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
 
Theo thống kê, sau khi triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã đào tạo cho 13.019 lao động nông thôn trong độ tuổi thanh niên; đào tạo nghề cho 24.912 lao động là nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 2011-2020. 
 
Riêng thực hiện Đề án 1956 - dạy nghề đáp ứng xây dựng nông thôn mới - trung bình mỗi năm hỗ trợ đào tạo cho trên 4.000 người, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 34%. Nếu như vào năm 2011, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo mới chỉ đạt 35% thì đến năm 2020 đã tăng lên 69% lao động nông thôn đã qua đào tạo. Theo đánh giá, người lao động sau khi hoàn thành khóa học đã ứng dụng thành công các kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. 
 
Hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực - theo đánh gia của Tỉnh ủy - trong giai đoạn 2011-2020, tổng số lao động được hỗ trợ học nghề là 37.966 người, trong đó nghề nông nghiệp là 24.912 người, chiếm 65,6%; nghề phi nông nghiệp là 13.054 người, chiếm 34,4%. Đáng chú ý, số lao động sau học nghề có việc làm chiếm 86,2%, trong đó nông nghiệp đạt 89,2% và phi nông nghiệp đạt 80,6%. 
 
Có thể nhận định rằng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn những năm qua đã góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn -nông nghiệp, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới của Lâm Đồng.
 
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, đề thực hiện hiệu quả chương trình, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong giai đoạn 2011-2020, tổ kinh phí từ ngân sách nhà nước chi cho công tác đào tạo nghề trên 57,3 tỷ đồng, trong đó kinh phí Trung ương hỗ trợ trên 26,9 tỷ đồng và kinh phí địa phương là 30,3 tỷ đồng. 
 
Đánh giá chung của Tỉnh ủy, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 19, các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị đã chủ động tổ chức nghiêm túc các nội dung của chỉ thị; đồng thời có những giải pháp cụ thể hóa hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc đổi mới trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn tạo bước đột phá về chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề. Chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn từng bước gắn với nhu cầu và nâng cao hiệu quả sản xuất, các dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, đối với người nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hình thành nhóm nghề nông nghiệp, từng bước tạo ra năng suất, chất lượng, bước đầu thành công trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Còn đối với lao động học nghề phi nông nghiệp, có tới trên 70% lao động có việc làm phù hợp với nghề đã học, trong đó có 50% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 
(CÒN NỮA)
 
TUẤN LINH - XUÂN TRUNG

Báo Lâm Đồng