Lâm Đồng với nỗ lực thực hiện Tổng điều tra kinh tế

13/04/2022 08:14 AM


Tổng điều tra kinh tế năm 2021 là cuộc Tổng điều tra lần thứ 6, tiến hành phạm vi trên cả nước, theo Quyết định số 307 ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan 4 loại đơn vị điều tra, nhưng tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực, trách nhiệm cao, hoàn thành đảm bảo thời gian, nội dung yêu cầu; Ban Chỉ đạo Trung ương xếp loại giỏi, xếp vị trí thứ Nhất vùng Tây Nguyên và thứ 11 cả nước, xứng đáng nhận cờ thi đua của bộ. Kết quả sơ bộ của Tổng điều tra có ý nghĩa rất lớn để hoạch định những chiến lược và chính sách phát triển kinh tế - xã hội…
 
Doanh nghiệp kinh doanh hoa Quỳnh Phương ở Đà Lạt có lượng hoa xuất khẩu lớn
Doanh nghiệp kinh doanh hoa Quỳnh Phương ở Đà Lạt có lượng hoa xuất khẩu lớn
 
Về số lượng và lao động, tổng số cơ sở kinh tế, sự nghiệp, hiệp hội, tôn giáo, tín ngưỡng thực tế đang hoạt động sản xuất kinh doanh (chưa kể các đơn vị hành chính) năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng có 78.039 cơ sở với tổng số lao động là 207.304 người. So với kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017, số lượng cơ sở tăng 5,4% (tăng 3.966 cơ sở); số lượng lao động giảm 3,1% (giảm 6.635 người). Bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020, số cơ sở tăng 1% còn số lao động giảm 0,6%, giảm lao động chủ yếu do ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo loại hình kinh tế, năm 2020, toàn tỉnh có 76.393 đơn vị kinh tế, chiếm 97,9% tổng số với 168.335 lao động; 961 đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, chiếm 1,2% với 35.688 lao động và 685 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng chiếm 0,9% tổng số với 3.281 lao động.
 
Theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng cơ sở và lao động trong ba khu vực kinh tế. Trong tổng số 78.039 cơ sở năm 2020, khu vực dịch vụ có 68.044 cơ sở, chiếm 87,2%, tăng 6,4% so năm 2016. Khu vực dịch vụ thu hút 160.345 lao động, chiếm 77,3% tổng số lao động, tăng 3% so năm 2016 (tăng trên 4,7 ngàn lao động). Khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, năm 2020 có 9.582 cơ sở, chiếm 12,3%, thu hút 38.353 lao động, chiếm 18,5% tổng số lao động. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2020 có 413 cơ sở, chiếm 0,5%, tăng mạnh so năm 2016 (tăng 118 cơ sở); số người tham gia sản xuất kinh doanh khu vực này năm 2020 có 8.607 lao động, chiếm 4,2% tổng số lao động...
 
Về quy mô lao động bình quân một đơn vị cơ sở, cho thấy biến động không đều so năm 2016; trong đó giảm mạnh ở khối doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX). Lao động bình quân trên một đơn vị cơ sở giảm nhẹ từ 2,9 người năm 2016 xuống 2,7 người năm 2020. Khối doanh nghiệp giảm từ 15,9 người năm 2016 xuống 10,7 người năm 2020; khối HTX giảm từ 14,5 người năm 2016 xuống còn 7,7 người năm 2020..… 
 
Xét theo khu vực kinh tế, lao động bình quân trên một đơn vị cơ sở đều giảm ở tất cả các khu vực; khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ không biến động lớn, tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm mạnh từ 27,4 người/cơ sở năm 2016 xuống 20,8 người/cơ sở năm 2020. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực có số lượng lao động thấp nhất. Tuy nhiên, lao động bình quân trên một đơn vị cơ sở lại cao nhất trong ba khu vực, đạt 27,4 người/cơ sở (năm 2016 là 20,8 người/cơ sở). Khu vực công nghiệp - xây dựng có số lượng lao động lớn thứ hai (chiếm 18,7%), quy mô lao động bình quân đạt 4 người/cơ sở, giảm 0,9 người so năm 2016. Khu vực dịch vụ có số lượng lao động lớn nhất (chiếm 77,3%) nhưng quy mô lao động thấp, năm 2020 chỉ đạt 2,4 người/cơ sở, tương đương năm 2016.
 
Kết quả Tổng điều tra còn cung cấp nhiều số liệu về sự phân bố theo đơn vị hành chính trên địa bàn toàn tỉnh. Khái quát cho thấy, số lượng cơ sở kinh tế, sự nghiệp, hiệp hội, tôn giáo và tín ngưỡng được trải rộng khắp các địa bàn trong tỉnh, nhưng tập trung chủ yếu ở những địa bàn có cơ sở hạ tầng tốt và điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc phân bố số lượng cơ sở chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, đây là địa bàn hội đủ các yếu tố cạnh tranh thuận lợi như nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiêu thụ sản phẩm đa dạng, sức mua lớn… nên thu hút nhiều đơn vị, cơ sở đặt trụ sở chính, tập trung ở thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc, các huyện như Đức Trọng, Lâm Hà. Ở khu vực nông thôn thường chỉ thu hút các cơ sở hoạt động ngành nghề phù hợp với điều kiện môi trường nông thôn như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, một số cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
 
Cùng đó, kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn cho biết cụ thể về số lượng và lao động cơ sở kinh tế theo loại hình kinh tế. Ví dụ, về đơn vị kinh tế, toàn tỉnh năm 2020 có 76.393 đơn vị kinh tế đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng 5,9% so năm 2016, bình quân hàng năm 1,2% giai đoạn 2016 - 2020; trong đó có 5.394 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, chiếm 6,9% tổng số, tăng mạnh so năm 2016 (tăng 23,9% với 1.365 doanh nghiệp); có 209 HTX, chiếm 0,3%, tăng 94 HTX so năm 2016 và 70.790 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, chiếm 92,7% tổng số đơn vị kinh tế, tăng 4,1% (tăng 2.804 cơ sở). Tổng số lao động tham gia trong các đơn vị kinh tế là 168.335 người, so năm 2016 giảm 3% (giảm 5.143 người) giảm chủ yếu ở loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã… Giai đoạn 2016 - 2020, số lượng cơ sở tăng lên song số lượng lao động giảm nên lao động bình quân trên một cơ sở kinh tế năm 2020 giảm xuống so năm 2016 từ 2,9 người/1 cơ sở năm 2016 còn 2,7 người/1 cơ sở năm 2020.
 
Về đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, ví dụ, tính đến thời điểm 31/12/2020, toàn tỉnh có 886 đơn vị sự nghiệp, giảm 22,8% so với năm 2016. Tổng số lao động tham gia có 35.422 người, so năm 2016 giảm 4,5%. Số lượng đơn vị sự nghiệp giảm chủ yếu do sát nhập và không điều tra các chi nhánh, văn phòng, các trạm y tế hạch toán phụ thuộc… Cũng thời điểm 31/12/2020, toàn tỉnh có 75 đơn vị hiệp hội, tăng 24 đơn vị so năm 2016, bình quân tăng 8%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Tổng số lao động tham gia có 266 người, tăng 95 người so năm 2016, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 9,2% mỗi năm…
 
MINH ĐẠO