Giám sát tối cao về BHYT, để sửa đổi Luật BHYT phù hợp, hiệu quả

23/02/2013 04:02 AM


Năm 2013, Quốc hội tổ chức giám sát tối cao về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về BHYT và xem xét sửa đổi Luật BHYT tại kỳ họp cuối năm. Phóng viên Tạp chí BHXH có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, giai đoạn 2009 - 2012”xung quanh vấn đề này.

Năm 2012, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức nhiều đoàn giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHYT từ Trung ương đến địa phương, xin đồng chí cho biết ý kiến đánh giá về những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong thực hiện Luật BHYT?

TS. Nguyễn Văn Tiên: Năm 2012, là thời gian mà Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức khá nhiều đợt đi khảo sát, giám sát thực hiện Luật BHYT tại các địa phương. Kết quả chung nhất thấy được, đó là chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, tỷ lệ gần 70% dân số tham gia BHYT là kết quả tích cực, sinh động và cụ thể thể nhất. Đạt được thành công đó, trước hết là sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là sự nỗ lực của cán bộ nhân viên làm công tác khai thác, quản lý Quỹ BHYT. Phải nói rằng những người ốm hay sắp đi chữa bệnh đều muốn có được chiếc thẻ BHYT là thể hiện rõ ràng nhất về hiệu quả của tham gia BHYT. Thực tế, có bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đồng chữa các bệnh hiểm nghèo, nếu không có sự hỗ trợ chắc chắn nhiều gia đình khuynh gia bại sản, hoặc không dám đi khám, chữa bệnh bỏ mặc cho số phận.

Tuy nhiên, do Luật BHYT mới vào cuộc sống được 03 năm, nên cũng còn khá nhiều vướng mắc, chính đó là lý do mà Quốc hội quyết định sửa đổi Luật BHYT trong năm 2013. Nổi bật nhất những vướng mắc có lẽ là sự khác nhau khá lớn giữa các tỉnh về sự tham gia BHYT và sử dụng Quỹ BHYT phục vụ khám, chữa bệnh, điển hình là chênh lệch về cân đối Quỹ BHYT giữa các địa phương. Điều đáng nói là ở các tỉnh miền núi, Quỹ BHYT đều cân đối dương khá lớn, trong khi người dân ở các địa bàn xa trung tâm, khó có cơ hội tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Khi xem xét kỹ lý do thâm hụt Quỹ BHYT ở một số địa phương cho thấy, chất lượng công tác giám định tại một số địa phương chưa cao, vì vậy tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT ở một số bệnh viện chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời dẫn đến thâm hụt Quỹ BHYT ở một số tỉnh.

Sự lạm dụng, trục lợi quỹ, hay vướng mắc về BHYT còn do nguyên nhân sâu xa nữa, đó là do chưa thực hiện tốt vai trò của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong chỉ đạo điều hòa, phối hợp giữa cơ quan y tế và cơ quan BHXH, điều này do nhiều nguyên nhân như chưa rõ cơ chế pháp lý, hay lợi ích của địa phương.

Tuy việc cấp trùng thẻ, sai họ tên người mang thẻ, nhiều thủ tục hành chính khám, chữa bệnh BHYT, hay giá dịch vụ y tế quá thấp từng bước được khắc phục nhiều so với cách đây 02 năm, song đó cũng là rào cản để gia tăng số người tham gia BHYT. Vì vậy, có tỉnh dù ngân sách đã hỗ trợ đến 90% tiền mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, nhưng cũng chỉ đạt 40-50% số đối tượng thuộc diện tham gia BHYT.

Tất cả những hạn chế này chắc chắn sẽ được lưu ý khi xem xét sửa đổi Luật BHYT vào cuối năm 2013.

Nghị quyết số 34/2012/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 15/11/2012 về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013, trong đó có giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, giai đoạn 2009-2012, xin đồng cho biết chương trình, kế hoạch đặt ra để công tác giám sát đạt hiệu quả ?

TS. Nguyễn Văn Tiên: Nhận thấy BHYT là chính sách An sinh xã hội cơ bản, để thể chế hóa Nghị quyết số 05 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020, Quốc hội đã quyết định tổ chức giám sát tối cao về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về BHYT và xem xét sửa đổi Luật BHYT tại kỳ họp cuối năm 2013. Giám sát tối cao về BHYT là cơ hội rất quan trọng để chỉ ra các nội dung cần sửa đổi trong Luật BHYT, là cơ hội để tất cả các đại biểu Quốc hội tham gia giám sát thực tế kết quả về BHYT, giúp cho Quốc hội ban hành Luật BHYT sửa đổi có những nội dung phù hợp, hiệu quả và cuối cùng là mang lại sự an lành cho người dân.

Đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Trương Thị Mai - Ủy vên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội làm trưởng đoàn, phó đoàn là các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội. Tham gia đoàn còn có các Đại biểu Quốc hội đại diện các Ủy ban của Quốc hội. Đoàn giám sát dự kiến sẽ làm việc với các bộ ngành Trung ương, 09 tỉnh, thành phố ở các vùng, miền.

Để phục vụ đoàn giám sát, Ủy ban về các vấn đề xã hội sẽ tổ chức hai phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ Y tế về chuyển tuyến bệnh viện và Quản lý Quỹ BHYT, tổ chức một số hội thảo chuyên đề về BHYT. Ngoài ra, đoàn sẽ huy động thực hiện một số nghiên cứu độc lập về BHYT. Tại các tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội sẽ tổ chức giám sát tại địa phương theo đề cương và kế hoạch chung, sau đó gửi báo cáo kết quả cho Quốc hội.

Tất cả các hoạt động giám sát sẽ hoàn thành trước đầu tháng 10/2013 để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 06 (10/2013).

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, trên 80% dân số tham gia BHYT, quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT… Theo đồng chí, cần có những giải pháp cụ thể như thế nào để đạt được mục tiêu trên?

TS. Nguyễn Văn Tiên: Giám sát tối cao của Quốc hội và sửa đổi Luật BHYT là bước rất cụ thể và cơ bản để thể chế hóa Nghị quyết số 21 của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH và BHYT, bởi vì thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật ở một nhà nước pháp quyền thì pháp luật phải là yếu tố cơ bản và quyết định. Do đó, Luật BHYT sẽ thể chế hóa tất cả các điểm cơ bản mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã nêu.

Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến hiệu quả thực hiện BHYT cũng sẽ được quan tâm bằng các giải pháp cụ thể như: Thực hiện lộ trình chuyển việc phân bổ ngân sách cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT, tổ chức lại, phân quyền cho địa phương và hiện đại hóa bộ máy quản lý Quỹ BHYT, thúc đẩy các phong trào tuyên truyền vận động nhân dân tham gia BHYT, con cháu tặng thẻ BHYT cho bố mẹ, ông bà, các đoàn thể vận động thành viên mua BHYT cho người thân…

Đặc biệt trong sửa đổi Luật BHYT cũng như các giải pháp nêu trên đều luôn luôn tuân theo nguyên tắc cơ bản, đó là thực hiện BHYT phải tuân theo định hướng xã hội chủ nghĩa (tính nhân văn cao cả, vì con người, vì những người có công với nước, vì cộng đồng, vì thế hệ đi trước, vì đối tượng thiệt thòi) và định hướng kinh tế thị trường, như vậy sẽ phù hợp với khả năng của nền kinh tế, với sự chi trả của người dân. Nếu quá thiên về xã hội, sẽ gây vỡ Quỹ BHYT; nếu quá thiên về cơ chế thị trường sẽ mất ý nghĩa của BHYT và mất định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!

Nguồn TC BHXH