Hoàn thiện pháp luật về việc làm bền vững

30/08/2013 08:35 AM


Hội thảo Hoàn thiện các quy định của pháp luật về chính sách thúc đẩy việc làm và tạo việc làm bền vững cho người lao động do Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội - và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc phối hợp tổ chức từ 26 - 27.8 tại TPHCM.


Người lao động luôn mong có việc làm bền vững. Ảnh: Đ.H

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề như: Thực trạng việc làm và chính sách việc làm ở VN, kiến nghị chính sách đối với dự án luật; chính sách BHTN…

Lao động việc làm còn nhiều bất cập

Theo Bộ LĐTBXH, từ năm 2001 đến nay, cả nước đã tạo việc làm (VL) cho khoảng 17,1 triệu LĐ, VL được tạo ra chủ yếu từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước (chiếm trên 90%), lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ (chiếm khoảng 70%). Quy mô LĐ có VL ngày càng tăng, từ 39 triệu người năm 2001 lên 49,5 triệu người năm 2010. Tốc độ tăng VL bình quân hằng năm trong giai đoạn 2001 – 2010 vào khoảng 2,5%/năm.

TS Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết: Hiện vấn đề LĐVL ở VN còn bất cập. Dẫn chứng, ông Lợi đưa ra đánh giá của Ngân hàng Thế giới “trong tổng số hơn 49,5 triệu LĐ từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế của VN, chỉ có khoảng 7,2 triệu người đã qua đào tạo (chiếm 14,6%), còn lại 85,4% chưa qua đào tạo”. 

TS Đặng Quang Điều - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật - Tổng LĐLĐVN - tiếp lời: “Vấn đề tạo VL bền vững và tăng trưởng bền vững, bảo đảm bình đẳng và thúc đẩy các cơ hội VL cho NLĐ ở VN đang trở nên cấp bách. Bởi chất lượng LĐ hiện của VN còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, phần đông NLĐ VN vẫn làm việc chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp (48,7%) với năng suất thấp. Để phát triển được “Việc làm xanh”  bền vững, bình đẳng giới, cơ hội VL cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế LĐ... LĐ di cư là vấn đề khó khăn, thách thức lớn”.

TS Đặng Quang Điều đưa ra ý kiến: “Nên xây dựng Luật VL theo hướng mở, diện bao phủ và điều chỉnh các vấn đề liên quan đến VL, thị trường LĐ cần hoàn thiện cơ chế điều chỉnh tiền lương, cải cách thể chế thị trường LĐ theo hướng an ninh, linh hoạt.

Tăng 6 điều, thêm tính khả thi

Ông Bùi Sỹ  Lợi cho biết: Về kết cấu, bố cục dự thảo Luật VL sau chỉnh lý trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 20 (19.8.2013) đã tăng lên 67 điều (lần thứ 5 chỉ có 61 điều). Về các chính sách hỗ trợ tạo VL (chương II) đã được cụ thể hóa về nội dung, mục tiêu, phạm vi, đối tượng và điều kiện áp dụng.

Cụ thể, dự thảo luật đã thiết kế mục 1 thành 4 điều (từ điều 10 - điều 14); quy định về chính sách hỗ trợ chuyển dịch VL, chính sách cho NLĐ khu vực nông thôn... Về thông tin thị trường LĐ (chương III) đã có chỉnh lý nội dung theo hướng phân biệt rõ thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý thông tin thị trường LĐ. Về bảo hiểm thất nghiệp (chương VI), dự thảo chỉ mở rộng thêm đối tượng tham gia BHTN với NLĐ có hợp đồng LĐ từ 3 tháng đến dưới 12 tháng...

Ban tổ chức kết luận, mục tiêu cơ bản và xuyên suốt của dự án Luật VL là thúc đẩy VL và tạo VL bền vững cho NLĐ, bao gồm cả nhóm LĐ có quan hệ LĐ và nhóm không có quan hệ LĐ. Do đó, để dự án Luật VL thực hiện đúng vai trò của luật chuyên ngành và đảm bảo tính khả thi, cần tiếp tục tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, cơ quan và tổ chức nhằm hoàn thiện hơn để sắp tới trình lên kỳ họp thứ sáu của Quốc hội.

Theo Báo Lao động