Giúp việc gia đình: Chuyện những người thành nghề

26/08/2013 08:39 AM


Hiện nay, nhiều lao động giúp việc gia đình (GVGĐ) và các công ty chuyên cung cấp dịch vụ này cũng đã ý thức và coi đây là một nghề.


Thu nhập của nghề này cũng tùy theo năng lực của từng lao động. Đối với những lao động đơn giản là việc nhà thì chỉ có thu nhập 2,8-3 triệu/tháng. Đối với những lao động chuyên biệt như chăm sóc, chuyên nấu nướng thì có thể lên 3,5-4 triệu đồng/tháng. Thậm chí với những lao động có kỹ năng nghề cao như vừa lo việc nhà, vừa quản lý, dạy học cho em bé và đưa đón học sinh thì thu nhập được tính bằng USD. Trung bình thì từ 5-6 triệu đồng/tháng. Cá biệt có trường hợp nhận được 350-400 USD/tháng.

Phân loại đẳng cấp

Mặc dù chưa có trong danh sách nghề quốc gia nhưng GVGĐ đã được xã hội công nhận là một nghề dịch vụ lao động và bắt đầu có tính phân cấp nghề.

Chị  Nguyễn Thị Lan, quê ở Tiền Hải, Thái Bình, 30 tuổi cho biết, sau khi mất việc tại công ty da giày, chị quyết định đi giúp việc nhà năm 22 tuổi. Lúc đầu do chỉ biết làm những việc đơn giản nên lương rất thấp và khó nhọc. Sau đó chị đã tham gia khóa đào tạo của công ty Nam Long về chăm sóc người già. Hiện nay, chị đang chăm sóc cho một cụ bà 75 tuổi bị bệnh tai biến. Mức lương mà chị được đang hưởng là 5 triệu đồng/tháng và mua cả BHYT. Chị Lan rất hài lòng với công việc của mình và cho rằng đây là 1 cơ hội việc làm cho các phụ nữ có học vấn thấp và lớn tuổi.

Không chỉ biết nấu nướng như chị Lan mà chị Lê Thị Mai, 24 tuổi, Thanh Hóa, còn học trường trung cấp du lịch của tỉnh. Năm 2011, sau khi vào TPHCM mà lận đận mãi không tìm được việc, chịđã được bạn giới thiệu cho 1 gia đình người Mỹ sống tại Phú Mỹ Hưng. Do biết tiếng Anh và có học vấn nên chị đã được nhận ngay với mức lương là 350 USD/tháng.

Năm ngoái để thuận tiện trong việc đưa đón em bé, chị Mai đã được chủ nhà cho đi học lái xe và họ thêm tiếng Anh nâng cao. Chị Mai rất vui vì sau 3 năm làm công việc này chị nhận thấy đây là một nghề rất mới, nếu làm tốt thì sẽ được chủ nhà trân trọng và có thu nhập ổn định.

Chị chia sẻ, tại sao lại phải đi xuất khẩu lao động trong khi ngay trong nước lại để “ngỏ” thị trường lao động GVGĐ.

Chị Nguyễn Thị Thắng, 35 tuổi, có thâm niên làm giúp việc 15 năm tại quận Tân Bình, TPHCM cho biết, chị làm theo giờ và thu nhập cũng rất tốt. Một ngày chị di chuyển tới 4 gia đình trên cùng địa bàn quận Tân Bình để làm các công việc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và đón em bé ở trường. Chị cho biết trong thời gian làm nghề chị đã phải học 3 khóa đào tạo là nấu ăn, kỹ năng giao tiếp và cắm hoa. Hiện nay tổng thu nhập của chị là 6,5 triệu đồng/tháng và chị cũng đã đóng BHXH tại phường được 10 năm.

Bà Lê Thị Thu Hiền, GĐ Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Hội Liên Hiệp Phụ nữ TPHCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, trung tâm đã giới thiệu được 1.800 lao động giúp việc. Trong đó những lao động đã có kinh nghiệm hoặc được đào tạo những kỹ năng như nấu ăn, chăm sóc người già, trông trẻ sẽ có mức lương cao hơn từ 1 - 1,5 triệu/tháng so với những lao động chưa qua đào tạo. Đặc thù có những lao động vừa có chứng chỉ đào tạo và có cả kinh nghiệm thì mức lương trung bình là 6 triệu đồng/tháng.

Dần chuyên nghiệp hóa

Hiện nay, TPHCM đã có khoảng gần 2.000 lao động GVGĐ từ Philippines sang giúp việc gia đình cho các gia đình người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Lợi thế của những lao động này ngoài vốn tiếng Anh thì kỹ năng nghề hơn hẳn lao động GVGĐ của Việt Nam.

Chính vì vậy, những lao động GVGĐ cũng như các công ty chuyên cung cấp, giới thiệu các dịch vụ lao động này cần phải chuyên nghiệp hóa công việc, nghề nghiệp GVGĐ để thắng ngay tại thị trường sân nhà.

Công ty CP TM và DV TKTG ở TPHCM đã có mô hình đào tạo những lao động GVGĐ ngay từ năm 2011 một cách bài bản và chuyên nghiệp. Theo đó, mỗi 1 lao động sau khi vào công ty đã được đào tạo các khóa dạy kỹ năng nghề từ 2-3 tháng từ kỹ năng chung tới việc phân loại các công việc mà người lao động sẽ làm như việc sử dụng các thiết bị trong gia đình, cách dọn dẹp nhà, văn phòng, giặt là quần áo, nấu nướng đến cách chăm sóc người bệnh…

Ngoài ra, công ty cũng rất chú trọng tới việc xác định nguồn gốc, sức khỏe của cá nhân từng lao động. Phân loại khả năng và tính cách của từng người lao động để từ đó chọn các hình thức đào tạo, hướng dẫn kỹ năng nghề cho phù hợp với từng lao động. Phân loại từng hình thức dịch vụ như lao động GVGĐ tại nhà, làm việc theo giờ, chăm sóc em bé, người bệnh theo hợp đồng dài hạn, ngắn hạn.

Ngoài việc hướng dẫn đào tạo nghề cho các lao động, Công ty CP DV Hoàng Tường ở Bình Thạnh, TPHCM còn chú trọng và thực hiện các quy trình của người sử dụng lao động đối với các lao động theo quy định của Bộ luật lao động. Tất cả các lao động dịch vụ theo định kỳ đều được công ty ký hợp đồng lao động và đóng các chế độ BHXH, BHYT. Đối với những lao động GVGĐ tại nhà khách hàng thì công ty là đơn vị tư vấn cho người lao động và giám sát việc ký hợp đồng lao động giữa chủ nhà và người lao động theo các điều khoản đã thỏa thuận.

Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Hội liên Hiệp Phụ nữ TPHCM đang phối hợp cùng các quận huyện trong TP để nhân rộng mô hình Câu lạc bộ dịch vụ gia đình của quận 10 ra toàn TP. Theo đó, trong mỗi CLB sẽ có 2 nhóm là CLB phụ nữ năng động, thực hiện đưa đón học sinh, những người có nhu cầu đi lại bằng xe máy và nhóm thứ 2 là CLB bác sỹ gia đình, gồm các y tá, bác sỹ đã nghỉ hưu hoặc có chứng chỉ, bằng cấp để phục vụ chăm sóc sức khỏe người bệnh, trẻ em bị ốm cho các hộ gia đình theo hợp đồng từng tháng, quý năm.

Theo ông Nguyễn Tri Quang, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp đào tạo và giới thiệu việc làm Thanh niên TPHCM, muốn thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá về nghề GVGĐ, lực lượng lao động này phải trang bị kiến thức, kỹ năng căn bản và ý thức nghề vững chắc. Bên cạnh đó cần sự hỗ trợ địa phương trong việc tổ chức những khóa đào tạo nghiệp vụ, đồng thời, có những biện pháp, chính sách quản lý chặt chẽ về mặt pháp lý .

Theo Chinhphu.vn