Nghèo đủ thứ

26/08/2013 03:14 AM


Sự nghèo được đề cập ở đây là nghèo kép cả về đời sống vật chất và tinh thần của người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN). Bài viết này xin được gói gọn cái nghèo của KCN trong một lĩnh vực, đó là nhu cầu văn hóa tinh thần.


Hầu hết những khu trọ công nhân không đáp ứng nhu cầu giải trí tinh thần của họ

Hoàn toàn có căn cứ để khẳng định rằng, về nhu cầu đời sống tinh thần, KCN rất nghèo. Khi dự án được công bố, người ta ngỡ rằng KCN mọc lên thì người lao động sẽ được "đổi đời” nhờ có các công trình phúc lợi. Mong ước thật giản dị nhưng câu trả lời từ các KCN hoàn toàn ngược lại, thiếu thốn và nghèo đủ thứ. Thậm chí không ít nơi, một số nhu cầu thiết yếu của người lao động tại KCN chẳng khác gì so với… vùng sâu vùng xa.

Cả nước hiện có 180 KCN đã đi vào hoạt động. Tổng số lao động làm việc tại các KCN lên đến hơn 1,6 triệu người. Thông qua khảo sát tại 98 KCN (khảo sát theo kiểu ngẫu nhiên) chỉ có 6 KCN có nhà văn hóa, nhà tập luyện thể dục thể thao dành cho người lao động cũng chỉ có tại 6 KCN. Còn lại hơn 90 KCN (chiếm hơn 85%) thuộc loại " trắng” các nhu cầu thiết yếu nói trên. Đặc biệt hơn nữa, trong tổng số 98 KCN được khảo sát, cơ sở khám chữa bệnh đa khoa cũng như thư viện đang là con số không. KCN không chỉ là nơi tá túc của người lao động mà còn là nơi sinh hoạt của trẻ thơ từ mẫu giáo đến các cấp học phổ thông. Vậy mà tại 98 KCN vừa được khảo sát, chỉ có 4 trường mẫu giáo, 3 trường tiểu học, 4 trường THCS. Như vậy, nhu cầu thiết yếu tại các KCN nếu có hơn thì chỉ bên 10 bên 8 so với … vùng sâu vùng xa.

Hiện trạng ấy đang là "chuyện thường ngày” tại các KCN. Xây dựng các KCN là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, không quan tâm đúng mức đời sống của người lao động (kể cả vật chất và tinh thần), thì số lượng có thể mọc lên như nấm nhưng KCN vẫn còn xa lạ với biểu tượng của nền sản xuất mới.

Theo Báo Đại đoàn kết