Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế: Nâng cao trách nhiệm và quyền lợi của người tham gia

17/04/2014 08:42 AM


Bộ Y tế và Ủy ban các vấn đề xã hội của QH đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Với dự thảo lần này có nhiều điểm mới, vừa thuận tiện trong quá trình triển khai vừa nâng cao trách nhiệm và quyền lợi của người tham gia... để hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân. Thực hiện BHYT toàn dân được xác định là cơ sở pháp lý cao nhất cho việc thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam.


Thanh toán viện phí cho người bệnh có thẻ BHYT tại Bệnh viện Bạch Mai

Không bắt buộc, không thể đạt mục tiêu BHYT toàn dân

Theo thống kê của Bộ Y tế, sau 20 năm thực hiện chính sách BHYT, trong đó có gần bốn năm triển khai Luật BHYT, cả nước có hơn 60 triệu người dân, chiếm 70% số dân cả nước tham gia BHYT. Ðây là một chính sách an sinh xã hội góp phần giúp người dân, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn không may phải đi khám, chữa bệnh. Ðồng thời góp phần thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc sức khỏe cho người dân. Chính sách BHYT ở Việt Nam bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác, các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội đều được chăm sóc sức khỏe thông qua quỹ BHYT với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Chuyển dần cơ chế trợ cấp của Nhà nước từ việc đầu tư ngân sách trực tiếp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sang việc hỗ trợ người dân mua BHYT; góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm sóc sức khỏe. Quỹ BHYT đang dần trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của các bệnh viện, từng bước giảm mức chi trả từ tiền túi của người bệnh cho công tác chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên kết quả triển khai cho thấy, chính sách BHYT vẫn còn nhiều bất cập, như việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn hạn chế; tỷ lệ tham gia chưa đầy đủ, tính tuân thủ pháp luật chưa cao. Trong khi đó, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân nhất là ở tuyến y tế cơ sở. Hầu hết các bệnh viện nhất là ở các cơ sở tuyến tỉnh, tuyến trung ương đều quá tải; tình trạng khám, chữa bệnh vượt tuyến còn nhiều và người dân vẫn còn phàn nàn về quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh...

Thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, toàn diện và cam kết của cả hệ thống chính trị. Ðể làm được điều đó nhất thiết phải sửa đổi luật cho phù hợp thực tiễn. Thạc sĩ Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) cho biết, điểm nổi bật của dự thảo luật mới quy định bắt buộc người dân tham gia BHYT. Nếu không quy định bắt buộc, thì sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là các đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao không tham gia và không giải quyết được tình trạng "lựa chọn ngược", đó là chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, gây nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT, ảnh hưởng đến tính bền vững của BHYT. Trong khi đó bản chất của BHYT là sự chia sẻ, số đông chia sẻ với số ít. Theo kinh nghiệm của nhiều nước thực hiện thành công BHYT toàn dân thì không có nước nào thực hiện được nếu không thực hiện bắt buộc và không có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này cũng sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng như hiện nay và tham gia BHYT sẽ theo hình thức hộ gia đình thay cho hình thức cá nhân như hiện nay. Tham gia BHYT theo hộ gia đình là con đường nhanh nhất để tiến tới BHYT toàn dân. Trong đó, người lao động khu vực chính quy đăng ký cho cả người phụ thuộc, người lao động khu vực phi chính quy thực hiện theo hộ gia đình. Khi thực hiện theo hình thức BHYT gia đình sẽ tránh được tình trạng trùng lặp thẻ BHYT cũng như có sự chia sẻ giữa các cá nhân trong chính gia đình. Ngoài ra khái niệm "Gói dịch vụ y tế cơ bản" được BHYT chi trả cũng được đưa ra thảo luận, xin ý kiến. Gói này bao gồm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, dự phòng. Gói dịch vụ y tế cơ bản đáp ứng khả năng chi trả phù hợp của quỹ BHYT và sẽ xác định minh bạch và rõ ràng hơn những gì khi người tham gia BHYT được hưởng và có cơ sở để tính toán không dẫn tới tình trạng bội chi.

TS Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH nêu ý kiến: Quy định bắt buộc người dân tham gia BHYT là phù hợp với chủ trương chăm sóc sức khỏe toàn dân mà Ðảng và Nhà nước ta hướng tới. Bắt buộc tham gia BHYT đồng nghĩa với việc người dân khi ốm đau đều được bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế mà không phải chịu rủi ro về mặt tài chính. Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Phạm Lương Sơn nhấn mạnh thêm: Khi thống nhất được quan điểm bắt buộc toàn dân tham gia BHYT thì phải xây dựng chế tài để quy định bắt buộc có tính khả thi cao. Những chế tài ban hành phải đủ mạnh để người dân có trách nhiệm tham gia theo đúng nghĩa đầy đủ.

Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày một nâng cao

Ði liền với trách nhiệm là quyền lợi của người tham gia BHYT cũng sẽ được nâng lên. Cụ thể, sẽ nâng mức hưởng của đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số từ 95% lên 100%; nâng mức hưởng của người cận nghèo từ 80% lên 95%; của thân nhân người có công từ 80% lên 95%, một nhóm người (như bố mẹ, vợ, chồng, con liệt sĩ) sẽ được nâng lên 100%... những trường hợp người bệnh có tiền cùng chi trả lớn hơn sáu tháng lương cơ bản và có thời gian tham gia BHYT trên năm năm liên tiếp thì quỹ BHYT sẽ chi trả 100%. Quy định này tạo điều kiện tốt đối với những trường hợp điều trị bệnh mãn tính với chi phí lớn.

Dự thảo luật lần này dự kiến giao Bộ Y tế và Bộ Tài chính thống nhất giá dịch vụ hạng bệnh viện trên toàn quốc. Việc thống nhất giá nhằm bảo đảm quyền lợi của người bệnh như nhau, đồng thời cũng là yếu tố để các cơ sở y tế cùng hạng phải phấn đấu để hấp dẫn người bệnh đến chữa trị ở cơ sở mình. Những trường hợp tham gia BHYT theo hộ gia đình được giảm trừ mức đóng cho các thành viên. Cụ thể, người thứ nhất trong gia đình đóng BHYT đúng mức phí quy định, từ người thứ hai đến thứ năm đóng lần lượt bằng 80%, 70%, 60%, 50% và từ người thứ sáu trở lên đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Ðáng chú ý, cơ chế thanh toán BHYT đối với những trường hợp đi khám, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Theo đó, quyền lợi của những đối tượng này sẽ bị thu hẹp. Thực tế, sau bốn năm thực hiện Luật BHYT, số tiền mà quỹ BHYT thanh toán cho bệnh nhân trái tuyến, vượt tuyến tăng nhanh, từ ba triệu lượt người bệnh vào năm 2010 lên 9,5 triệu lượt năm 2011 và 11,6 triệu lượt năm 2012. Hiện nay BHYT đang thanh toán cho người bệnh khám, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến ở mức khá cao dẫn đến nhiều người bệnh dù bệnh nhẹ vẫn vượt tuyến lên tuyến trên khám, chữa bệnh, khiến nhiều bệnh viện tuyến trên rơi vào tình trạng quá tải. Ðể khắc phục tình trạng này, trong dự thảo lần này, mức thanh toán BHYT cho người bệnh đi khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến sẽ giảm xuống, cụ thể là giảm mức thanh toán cho diện bệnh nhân ngoại trú ở tuyến trung ương từ 30% xuống còn 20%...

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT dự kiến sẽ được trình Quốc hội thảo luận và thông qua trong kỳ họp tháng 5 tới đây.

Sự thành công của BHYT toàn dân rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Vai trò của cấp ủy đảng chính quyền địa phương giữ vị trí then chốt. Ðể đưa Luật BHYT nhanh đi vào cuộc sống, bao phủ toàn dân, rất cần phải có Dự án trong chương trình mục tiêu y tế quốc gia để tập trung tuyên truyền mạnh mẽ, vận động phát triển BHYT như kinh nghiệm tốt trong tuyên truyền vận động kế hoạch hóa gia đình trước đây: đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng... Bên cạnh đó cần có những quy định và điều kiện cụ thể, chẳng hạn như tỉnh nào bội chi quỹ BHYT thì phải lấy ngân sách địa phương bù vào. Tỉnh nào kết dư quỹ thì sẽ được trích phần trăm cho ngân sách của tỉnh. Như thế mới khuyến khích các tỉnh tích cực vận động người dân tham gia BHYT.

TS. NGUYỄN VĂN TIÊN,

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH