Khan hiếm lao động đi biển

19/11/2013 09:24 AM


Phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) Nguyễn Duy Trinh bấm đốt ngón tay nhẩm tính rồi vui mừng khoe: từ đầu năm đến giờ Phổ Thạnh đóng mới 16 tàu công suất lớn từ 400 - 600CV. Vui đấy rồi nét mặt ông chợt chùng xuống: tàu tăng, nhưng lao động lại khan hiếm.


Lao động đi biển đang là vấn đề nan giải đối với Quảng Ngãi.

Sắm sửa cho chuyến ra khơi sắp tới, trong khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, thế nhưng anh Nguyễn Long, chủ tàu cá ở thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh vẫn phải chạy khắp nơi để tìm bạn cùng đi biển. Anh Long có đôi tàu hành nghề giả cào, mỗi chuyến ra khơi cần khoảng 12 lao động có kinh nghiệm. Cùng với 5 anh em, bà con trong nhà thì chuyến đi biển này còn thiếu 7 lao động. Mấy ngày qua, anh chạy khắp nơi để “tuyển dụng” nhưng vẫn còn thiếu. “Mấy năm trước chẳng ai lo thiếu bạn thuyền vì thu nhập của anh em rất khá. Nhưng giờ, tàu cá làm ăn ngày càng khó nên nhiều “bạn” đi cùng trước đây đã chuyển nghề bờ sinh sống, hoặc đi làm cho những tàu thuyền ở tỉnh khác có thu nhập cao hơn” - anh Nguyễn Long cho biết. Vào mùa cao điểm khai thác thủy sản, các chủ tàu phải ngược xuôi tìm kiếm “bạn”.

Nhiều chủ tàu than thở, nếu như trước đây “bạn” đi biển thường chủ động đến gặp chủ tàu để xin làm việc thì nay ngược lại, các chủ tàu phải lo đi tìm “bạn”. Ngư dân Huỳnh Thanh Hải (46 tuổi) ở xã Bình Châu (Bình Sơn) cho hay: Nghề biển, ngoài những nỗi lo bão tố, gặp nạn trên biển, giá cả xăng dầu tăng cao... bây giờ nỗi lo lớn nhất là thiếu lao động. “Tàu của tôi hành nghề câu cá ngừ đại dương cần trên 12 người mới đủ số lượng lao động ra khơi. Phí tổn cho mỗi chuyến biển trên 200 triệu đồng. Nếu ra khơi trong điều kiện thiếu lao động thì sản lượng đánh bắt không đạt. Trong khi giá thủy hải sản bấp bênh nên chủ tàu sẽ lỗ vốn.

Do cung không đủ cầu nên không ít trường hợp “bạn” đi biển “làm giá”, xin ứng tiền để giải quyết công việc gia đình, sau khi đi biển về trừ vào thu nhập, tất nhiên không có chủ tàu nào từ chối. Song, không ít trường hợp “bạn” đi biển được ứng tiền trước rồi không đi.

Hiện nay nhiều địa phương sống bằng nghề biển của Quảng Ngãi đang từng bước phát triển đội tàu cá đánh bắt xa bờ, với những con tàu lớn, được trang bị thiết bị đánh bắt hiện đại. Thế nhưng lao động trực tiếp đánh bắt thủy trực tiếp ngày càng giảm. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Phổ Thạnh - một trong những nơi có đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ hùng hậu nhất tỉnh, đến thời điểm này số tàu đánh bắt khai thác thủy sản đã có 935 chiếc, trong đó trên 640 chiếc đánh bắt xa bờ. Điều này đồng nghĩa, nếu mỗi tàu cần khoảng 10 lao động thì lực lượng lao động trực tiếp trên biển để duy trì hoạt động nghề khai thác lên đến trên 9.000 người.

Ông Phan Hiển, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ xã Phổ Thạnh cho biết: Hoạt động đánh bắt hải sản trên biển ngày càng khó khăn hơn do chi phí tăng cao, nguồn lợi hải sản lại suy giảm. Trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển là nghề vất vả, phải chịu nhiều khổ cực, thiếu thốn, lại gặp nhiều rủi ro khiến nhiều “bạn” bỏ biển lên bờ mưu sinh. Cùng với đó, nhiều gia đình làm nghề biển cũng muốn cho con cái học hành đến nơi đến chốn để có công việc ổn định trên bờ, thay vì gắn bó với nghiệp trên biển. Do vậy, nguồn lao động làm nghề biển ở địa phương thiếu hụt.

Theo Báo SGGP