Chật vật tìm việc ở khu chế xuất, khu công nghiệp

15/11/2013 09:39 AM


Thị trường lao động ở các KCX - KCN ít biến động hơn mọi năm do tình hình sản xuất ổn định, người lao động không nhảy việc.


Gần 11 giờ nhưng chị Trương Thị Hoàng (22 tuổi, quê Thanh Hóa) vẫn tranh thủ chạy xe máy quanh KCN Tân Bình, quận Tân Bình, TP HCM để tìm các công ty có treo biển tuyển dụng công nhân (CN) may: “Dịp này năm ngoái, chị tôi vừa vào thành phố là có việc ngay. Tôi không nghĩ năm nay lại khó tìm việc như vậy”.

Loe hoe tuyển dụng

Hoàng cho biết chị vào TPHCM đã gần 1 tháng nhưng vẫn chưa tìm được việc làm dù đã tìm kiếm khắp nơi. Trong khi đó, chị Phan Thị Liên - vừa nghỉ việc ở công ty cũ tại KCX Linh Trung II, quận Thủ Đức, TPHCM - cũng hối hả tìm việc mới. Chị định chuyển qua KCX Tân Thuận vì nghe nói tiền lương ở đó cao hơn. “Thế mà ở KCX Tân Thuận cũng chỉ loe hoe mấy công ty treo băng rôn tuyển dụng” - chị Liên rầu rĩ.

Theo bà Huỳnh Thị Kim Bắc, Phó Phòng Hành chính Nhân sự Công ty May Quốc tế Thắng Lợi (KCN Tân Bình, TP HCM), ngoài việc tuyển dụng để thay thế một số nữ CN nghỉ thai sản, công ty không có nhu cầu tuyển thêm người. Bà Nguyễn Thị Phương Mỹ - cán bộ Văn phòng Giới thiệu việc làm (GTVL) KCX Linh Trung I, quận Thủ Đức, TPHCM - cũng thừa nhận doanh nghiệp (DN) đăng ký thông tin tuyển dụng lao động phổ thông rất ít, có tuần không có nhu cầu để giới thiệu cho ứng viên. Một số lao động nhảy việc do không hiểu rõ tình hình nên đã thất nghiệp.

DN không thiếu người

Dạo quanh các KCX-KCN trên địa bàn TPHCM, chúng tôi ghi nhận không nhiều DN treo băng rôn tuyển CN như mọi năm. Ở KCX Linh Trung I, chỉ có 3-4 DN đăng tuyển CN nhưng số lượng không nhiều. Các DN đều yêu cầu kinh nghiệm. Ở KCX Linh Trung II, chưa thấy DN nào thông báo tuyển lao động. Tại KCX Tân Thuận, có 7 DN thông báo tuyển CN. Trong đó, Công ty Three Bambi trương bảng tuyển 50 lao động nữ, Công ty Yasuda Fashion cần 30 CN may có kinh nghiệm… Ông Trần Hoàng Hải, chuyên viên Văn phòng GTVL KCX Tân Thuận, cho hay ngoài vài công ty tuyển dụng thường xuyên như: Nidec Copal, Nissey, Furukawa… thì hầu như không có DN nào tuyển trên 200 CN trong thời gian này.

Tại 2 KCN Tân Bình và Tân Tạo, tình hình không khác gì cùng kỳ năm 2012. Vài băng rôn tuyển dụng treo trước cổng các DN nhưng phần nhiều đã cũ. Khi vào hỏi một số nơi, chúng tôi nhận được thông tin “Công ty đã tuyển đủ người, qua Tết quay lại”. Ông Phạm Anh Dũng - Giám đốc Tài chính và Nhân sự Công ty Greystones Data Systems Việt Nam, KCX Linh Trung II - cho biết DN này là một trong vài công ty có đơn hàng tăng 10%-15% vào dịp cuối năm nên cần thêm khoảng 20 kỹ thuật viên và 80 CN với nhiều chế độ ưu đãi. “Chế độ chính sách hợp lý sẽ giúp DN giữ người. Chúng tôi chỉ tuyển thêm lao động khi đơn hàng tăng” - ông Dũng khẳng định.

Không còn tuyển ồ ạt

Theo ông Bùi Thanh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm GTVL các KCX-KCN TP HCM, từ nay đến Tết Nguyên đán, đơn hàng không tăng mạnh nên DN không có nhu cầu tuyển thêm nhân công. Vì vậy, tình trạng tuyển dụng ồ ạt sẽ không diễn ra như mọi năm. “Người lao động sẽ khó tìm được việc làm mới nếu nghỉ việc trong thời điểm này” - ông Ngọc khuyến cáo.

Thị trường lao động ảo

PGS-TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho biết sau hơn 1 năm thực hiện chương trình việc làm bền vững (giai đoạn 2012-2016), công tác quản lý, thông tin về lao động việc làm vẫn còn nhiều thiếu sót. Các báo cáo về tình hình lao động việc làm chưa phản ánh toàn diện bức tranh của thị trường lao động gắn với “sức nóng” của nền kinh tế. Cơ quan quản lý vẫn chưa nắm rõ sự chuyển dịch lao động trong viễn cảnh “doanh nghiệp (DN) chết hàng loạt” như hiện nay. Thậm chí, vấn đề tiền lương cũng chưa được phân tích cặn kẽ. Theo thống kê năm 2012, TPHCM có 21.750 DN làm thủ tục dừng kinh doanh (chưa bao gồm các DN tạm “đóng băng”). Dù vậy, số lượt lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn TP lại giảm không nhiều (289.400 so với 292.000 lượt người năm 2011). Riêng 9 tháng đầu năm 2013, TP đã giải quyết việc làm cho 216.183 lượt lao động, tăng 6.681 lượt so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, hằng năm, bất chấp sự khó khăn của nền kinh tế, nhiệm vụ giải quyết việc làm ở TP HCM thường đạt chỉ tiêu hoặc ít dao động với những con số quen thuộc. Các báo cáo cũng chỉ rõ tỉ lệ thất nghiệp giảm dần qua các năm, từ 5,1% năm 2010 xuống còn 5% năm 2011 và 4,9% năm 2012. Chín tháng đầu năm 2013, số người đăng ký thất nghiệp lại tiếp tục giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Kinh tế khó khăn, người lao động chật vật với việc làm thì tỉ lệ thất nghiệp được Bộ LĐ-TB-XH trình Quốc hội tại kỳ họp gần đây là 2%. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lo ngại: “Không có số liệu đúng và đủ thì không thể đưa ra đánh giá xác thực nhất. Do vậy, các quyết sách, chủ trương, giải pháp được đưa ra sẽ gặp nhiều rủi ro. Con số trên là “khó tưởng” trong điều kiện kinh tế hiện nay”. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng cho rằng các số liệu về tiền lương, tạo việc làm mới, thất nghiệp đều có vấn đề. “Số lượng việc làm mới tăng, tỉ lệ thất nghiệp giảm là điều không thể hiểu nổi trước tình hình GDP giảm, số DN phá sản hoặc tạm ngưng hoạt động liên tục tăng” - ông lo lắng.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, khẳng định thị trường lao động đang dần khởi sắc do nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi. Lao động phi chính thức, các làng nghề, dịch vụ… hầu như không bị ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng kinh tế. Lực lượng lao động này có thể tự vận động để tìm việc làm. Ông Hòa giải thích: “Chỉ những người được ký hợp đồng lao động khi bị mất việc mới được coi là thất nghiệp, những trường hợp còn lại chỉ là thiếu việc làm”.

Theo PLTPHCM