Cạn tình với người lao động

13/11/2013 07:02 AM


Tự tin mình không vi phạm pháp luật, hoặc lách được luật, nhiều DN đã nhẫn tâm đẩy người lao động (NLĐ) vào đường cùng. Chính kiểu hành xử “vắt chanh bỏ vỏ” của các ông chủ không chỉ khiến NLĐ khốn khổ mà còn làm cho lòng tin của NLĐ đối với DN giảm sút, không muốn gắn bó lâu dài với DN.


Xử tệ với cả lao động nữ mang thai

Chị H.T.Thịnh, làm việc tại Cty K, Bình Dương, chuyên sản xuất lốp xe kêu cứu đến PV báo Lao Động & Đời sống, trình bày: Chị bắt đầu làm việc ở Cty từ ngày 2.5.2012, tuy nhiên Cty không ký Hợp đồng lao động (HĐLĐ) mà chỉ ký thỏa thuận lao động (LĐ) với chị.

Khi chị mang bầu, chị đề nghị Cty ký HĐLĐ để đóng BHXH, được hưởng chế độ thai sản, nhưng Cty cứ hẹn tới hẹn lui, cuối cùng phía Cty đưa ra giải pháp là sau khi chị sinh xong quay lại Cty tiếp tục làm việc thì Cty sẽ ký HĐLĐ với chị. Tin lời Cty nói nên chị tiếp tục làm việc vì nghĩ là nữ bụng mang dạ chửa đi xin chỗ khác người ta cũng không nhận.

“Tháng lương đầu tiên của tôi bị Cty giữ lại, khi tôi hỏi thì Cty trả lời rằng tiền “giữ chân” để sau khi sinh đảm bảo tôi quay lại làm việc. Nghĩ Cty cần mình nên mới làm thế nên tôi cũng cho qua. Đến ngày 2.11.2013 tôi xin nghỉ sinh, do Cty không đóng BHXH nên tôi không được hưởng bất kỳ chế độ thai sản nào. Sau 4 tháng nghỉ sinh, ngày 3.4.2013 tôi quay lại làm việc thì phía Cty tiếp tục không ký HĐLĐ.

Tôi có hỏi thì phía Cty trả lời rằng do tôi nghỉ sinh mới 4 tháng đã đi làm lại, bây giờ Cty ký hợp đồng là phạm luật đối với sản phụ nên từ từ sau sẽ ký, hơn nữa  Cty vẫn trả đúng theo thỏa thuận lương nhân viên chính thức, nên tôi yên tâm làm việc. Tuy nhiên từ tháng thứ 2 trở đi, Cty không thanh toán tiền lương, tiền công LĐ cho tôi.

Tôi đã 3 lần làm đề nghị thanh toán tiền lương thì kế toán bảo lệnh chuyển khoản lương trục trặc nên tiền chưa vào, tôi xin nhận lương bằng tiền mặt thì Cty cũng không giải quyết. 3 tháng 21 ngày làm việc không công, tiền nuôi con không có, ngày 22.7.2013, tôi làm đơn nghỉ việc, Cty lại hẹn 45 ngày sau sẽ giải quyết mới đúng luật! Tuy nhiên từ đó đến nay, số tiền lương 1 tháng “giữ chân” và 3 tháng 21 ngày Cty vẫn im hơi lặng tiếng. Đời sống của gia đình tôi hết sức ngặt nghèo” - chị Thịnh khóc, kể.

Trường hợp của chị Hà, CN ở 1 Cty ở KCN Tân Bình, TPHCM cũng bi đát không kém. Chị vào làm việc ở Cty 2 năm  nhưng mỗi năm Cty đều ký cho chị 1 HĐLĐ có thời hạn 1 năm. “Ngày 30.9.2013 tôi hết hạn hợp đồng thứ 2, ngỡ đâu Cty sẽ ký tiếp HĐLĐ với tôi nhưng ngày 25.9 khi nhận lương, phòng nhân sự cũng thông báo luôn khi hợp đồng hết hạn, Cty sẽ không tiếp tục ký nữa.

Tôi gần như òa khóc, luýnh quýnh chạy đi hỏi khắp nơi thì ban giám đốc bảo hợp đồng hết hạn, họ không ký tiếp là quyền của họ chứ họ không đơn phương chấm dứt hợp đồng, họ không có sai luật. Thực tình giờ tôi không biết phải làm sao, tôi có bầu đã 5 tháng, công việc không có, ai dám thuê một bà bầu vào làm việc bây giờ”.

“Công thần” cũng mặc!

Bị ốm chưa khỏe hẳn nhưng anh T.V Trung, nguyên là trưởng phòng Cty S, hoạt động trong lĩnh vực môi trường trên Q.Tân Phú, TPHCM đã gọi điện cho chúng tôi trình bày sự việc mà theo anh thì Cty đã “cạn tình” với anh. Đầu năm 2011, anh Trung được mời vào làm việc khi Cty mới thành lập được 1 năm. Trước đó, do anh Trung từng làm việc lâu năm tại một Cty cũng chuyên về môi trường nên có nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ nên giám đốc Cty S, đã bằng mọi cách mời anh về và đặt anh vào vị trí trưởng phòng.

Sau 2 năm làm việc, bằng mối quan hệ và kinh nghiệm của mình anh đã giúp Cty thắng những dự án lớn, mang nhiều lợi nhuận khổng lồ về cho Cty. Đầu năm 2013, Cty mở rộng quy mô, anh Trung đã trực tiếp tuyển nhân viên, sắp xếp công việc... Công việc đang thuận lợi thì tháng 2.2013, anh Trung bị ốm nặng.

“Lúc mới về Cty, giám đốc đề nghị được ký HĐLĐ không xác định thời hạn với tôi nhưng tôi lại đề nghị chỉ ký HĐLĐ xác định thời hạn 3 năm. Chính cái đề nghị này đã hại tôi. Khi tôi ốm, cũng là lúc Cty mở rộng quy mô nên giám đốc nhanh chóng tuyển người mới. Đầu tháng 9 vừa rồi, trưởng phòng nhân sự Cty đã trực tiếp đến nhà tôi thông báo về việc Cty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với tôi. Tôi đớ người, miệng lắp bắp.

Tôi hỏi luật sư thì luật  sư cho biết rằng Cty quyết định như vậy chẳng có gì sai. Cty đã thực hiện đúng theo Điểm b, Khoản 1 Điều 38 Luật Lao động về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động đối với trường hợp NLĐ ký HĐLĐ xác định thời hạn mà nghỉ ốm trên 6 tháng liên tục. Biết là đúng luật nhưng tôi thấy Cty “cạn tình” quá. Chắc tại tôi lúc trước đã bỏ Cty cũ để về đây nên giờ bị quả báo!” - anh Trung trách mình.

Gieo nhân nào gặp quả đó

“Anh Trung tự trách mình 1 thì các DN hành xử “cạn tình” phải tự trách mình 10. Suy cho cùng, anh Trung cũng chỉ là NLĐ, họ có quyền lựa chọn công việc để phát triển bản thân và có nguồn thu nhập tốt hơn. Những DN xử tệ với NLĐ mới đáng trách, gieo nhân nào gặp quả đó thôi, xử tệ với NLĐ thì không chỉ bị NLĐ trách móc mà niềm tin của NLĐ đối với DN cũng không còn, “nhân bất hòa” thì làm việc gì cũng khó” – Bà Trần Kim Bội, giám đốc Cty Ngọc Bội, quận Tân Bình nói.

Theo Báo Lao động