Đảm bảo an toàn hơn cho sức khoẻ người lao động

11/11/2013 02:11 AM


Nhằm hạn chế tình trạng tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) cũng như đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng cường cung cấp các dịch vụ về an toàn sức khỏe cho người lao động (NLĐ) như chăm sóc, phục hồi sức khỏe, đào tạo nghề, đánh giá rủi ro công việc.... Dịch vụ này tại Việt Nam còn chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn, do vậy việc học hỏi kinh nghiệm và có biện pháp thúc đẩy loại hình dịch vụ phát triển là hết sức cần thiết.


Nhìn từ các nước phát triển

Hà Lan, được biết đến là quốc gia phát triển các dịch vụ an toàn sức khỏe sớm nhất (từ những năm 1920). Trải qua nhiều giai đoạn, việc cung ứng các dịch vụ an toàn sức khỏe đã chuyển dịch từ khối cơ quan của Chính phủ và tổng công ty lớn tới các tổ chức, các doanh nghiệp…  tạo nên sự cạnh tranh sôi nổi trên thị trường, trong đó có sự tham gia của các cơ quan bảo hiểm và các nhà đầu tư tư nhân.

Hay như Sclotland, chương trình việc làm, sức khỏe và phúc lợi NLĐ được Chính phủ Scotland phát triển, mở rộng kể từ năm 2000. Theo chương trình này, phạm vi nhiệm vụ của các chuyên gia về sức khỏe nghề nghiệp được mở rộng hơn so với truyền thống trước đó để có thể chăm sóc cho NLĐ ở mọi lứa tuổi. Để thực hiện chương trình, một giám đốc sức khỏe nghề nghiệp quốc gia đã được bổ nhiệm và thành lập một trung tâm đời sống và sức khỏe cho NLĐ. Bên cạnh đó, Scotland hỗ trợ việc phát triển các dịch vụ tư vấn miễn phí về sức khỏe nghề nghiệp cho các DN vừa và nhỏ.

Tại Anh, sau khi triển khai chương trình đổi mới và cải cách dịch vụ chăm sóc và bảo đảm an toàn, sức khỏe nghề nghiệp cho NLĐ từ năm 2000, các dịch vụ về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp đã liên tục được cải tiến với nhiều nội dung phong phú. Các dịch vụ này bao gồm: Cung cấp các công cụ đánh giá rủi ro, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm, phục hồi chức năng nghề nghiệp; Tư vấn miễn phí cho NLĐ về an toàn, sức khỏe tại nơi làm việc và khả năng trở lại công việc của NLĐ; Cung cấp những kiến thức và kỹ năng ATVSLĐ trực tiếp tới NLĐ và người sử dụng lao động, giúp cho họ tự giải quyết vấn đề của chính mình...

Còn tại Phần Lan, Chính phủ đã xây dựng chiến lược về dịch vụ sức khỏe từ 2002-2015. Theo chương trình này, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức và chi trả cho các dịch vụ phòng ngừa TNLĐ, BNN cho tất cả NLĐ...

Đến thực tiễn Việt Nam

TNLĐ và BNN gây ra tổn thất lớn cho NLĐ, gia đình và toàn xã hội. Thời gian qua để hạn chế tình trạng TNLĐ và BNN, Việt Nam đã có nhiều quy định về việc tăng cường việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động cũng như các chế độ hỗ trợ đối với NLĐ bị TNLĐ, BNN. Theo quy định tại Bộ Luật lao động, mỗi năm doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động ít nhất một lần. Những người làm các nghề và công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm phải khám kiểm tra sức khỏe một năm 2 lần.Các trường hợp xin việc làm… đều phải khám sức khỏe theo mẫu quy định của Bộ Y tế. Người lao động trong các khu công nghiệp đều có thẻ bảo hiểm y tế...

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện số người tham gia bảo hiểm y tế là 62 triệu, trong đó phần lớn là những người đang trong độ tuổi lao động. Từ năm 1995 đến hết năm 2012, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết chế độ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp cho 93.000 người lao động. Số tiền chi trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp bình quân 430 tỷ đồng/năm...

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các dịch vụ hỗ trợ an toàn sức khỏe tại Việt Nam chưa bắt kịp yêu cầu của thực tiễn: thiếu các cơ chế khuyến khích và phát triển các dịch vụ về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, cho nên chưa thu hút được nhiều các nguồn lực, kênh đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ này. Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp chủ động đến để đăng ký chăm sóc, tầm soát khám chữa bệnh cho NLĐ vẫn còn khá khiêm tốn. Do vậy, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần ban hành cụ thể hơn các cơ chế khuyến khích các dịch vụ an toàn sức khỏe, cũng như tăng cường các hình thức kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý nghiêm để NLĐ được hưởng những quyền lợi chính đáng hơn

Được biết, trong Chỉ thị số 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế do Ban Bí thư T.Ư Ðảng mới ban hành nhấn mạnh sẽ tăng cường việchuy động nguồn lực xã hội tham gia vào việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; mở rộng các hình thức bảo hiểm, bồi thường TNLĐ, BNN linh hoạt theo ngành, lĩnh vực. Đồng thời, có cơ chế đầu tư cho các hoạt động cảnh báo, phòng ngừa, quản lý rủi ro, phục hồi chức năng cho người bị TNLĐ, BNN./.

Theo Báo Kinh tế Việt Nam