Bấp bênh cuộc sống công nhân

06/11/2013 09:00 AM


Đồng lương ít ỏi, luôn phải đối mặt với rủi ro công ty, nhà máy hoặc bị phá sản, hoặc sản xuất cầm chừng dẫn đến bị chấm dứt hợp đồng... Cuộc sống của những người công nhân đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.


Vào TP. Hồ Chí Minh với hai bàn tay trắng những người thanh niên tại các làng quê Việt Nam nuôi mong muốn có được một công việc ổn định và có chút tiền dư giả gửi về quê phụ giúp bố mẹ, gia đình. Tuy nhiên, ước mơ giản dị đó không thể thực hiện khi họ phải đối mặt với những công việc không ổn định, nặng nhọc, vất vả... mà mức thu nhập bấp bênh, eo hẹp không đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày khi làm công nhân (CN) tại các KCN, khu chế xuất.

Những phòng trọ nhếch nhác

Hơn 5 giờ chiều những khu nhà trọ tại đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức vẫn còn khá oi bức và nóng nực. Nhiều cánh cửa phòng trọ vẫn đóng im lìm. Thấy chúng tôi đến, chị Nguyễn Thị Đào, sống ở một phòng trọ tại đây ngó ra cửa hỏi: "Công nhân hả? Đến tìm phòng trọ phải không? Vẫn còn một phòng ở cuối hành lang đấy nhưng không biết em có ở được không?". Dẫn chúng tôi vào căn phòng nơi chị Đào và 3 người nhà chị cùng sinh sống, ước chỉ rộng khoảng10 m2. Nhìn xung quang căn phòng tính ra có mỗi cái ti vi và cái tủ lạnh mặc dù xung quanh đã lên gỉ sét còn có giá trị. Bước vào khu vực bếp và nhà vệ sinh, do chật hẹp nên được bố trí nằm kế nhau tuy nhiên những viên gạch đã tróc gần hết, lộ ra những mảng xi măng cũ kĩ, đen ngòm, khiến chúng tôi không khỏi giật mình.Tuy nhiên, chị Đào trấn an: "Ở đây phòng nào chả vậy, được cái giá rẻ chỉ 500.000 đồng/phòng, mà giá rẻ mới có thể đủ ăn khi lương công nhân chỉ ba cọc ba đồng".

Cũng theo chị Đào, mặc dù là chủ nhật nhưng cả dãy trọ hơn 10 phòng rất hiếm khi có đông đủ mọi người, đặc biệt cuối năm nên nhiều CN cũng tranh thủ tăng ca để kiếm thêm tiền về quê ăn Tết. Đa số CN sống ở đây chủ yếu làm trong công ty Dệt may Việt Thắng hoặc làm ở trong khu chế xuất Linh Trung 2. "Một ngày làm việc của CN trung bình kéo dài khoảng 8 tiếng nhưng không có ngày nghỉ. Thay vào đó, công ty sẽ chia ca cho công nhân. Tuần này làm từ 4 giờ sáng đến 2 giờ chiều, tuần sau làm từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng. Do đó, nhiều cô dù đã 28 - 29 tuổi nhưng đến nay vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai hoặc nhiều người dù ở Sài Gòn nhưng cũng chưa biết đến nội thành Sài Gòn ngang dọc như thế nào.... Vì vậy, nhiều công nhân vẫn thường nói vui với nhau: "Chưa đi chưa biết Sài Gòn - Đi rồi mới biết hao mòn tuổi xuân". Bữa nào chị Đào không phải tăng ca thì tranh thủ về nhà trọ ngủ lấy sức chứ không có thời gian đi đâu. Còn đám thanh niên chưa vợ chưa chồng cũng vậy, cho nên nhiều cô đến giờ vẫn còn bẽn lẽn khi nói chuyện với con trai. Vì vậy, có nhiều đôi chưa kịp quen nhau để tìm hiểu kĩ nhưng chỉ qua người mai mối họ cũng đến với nhau qua một cái đám cưới chóng vánh rồi về ở với nhau. Nếu "cơm lành, canh ngọt" thì ở với nhau còn không thì đường ai nấy đi.

10 năm vẫn tay trắng

Cuộc sống vất vả, tăng ca liên tục tuy nhiên mức thu nhập lại không đủ để trang trải cuộc sống cho những công nhân xa quê lên thành phố lập nghiệp. Có những người rời quê lên thành phố cả chục năm, nhưng đến nay vẫn phải lo ăn đong từng bữa. Chị Nguyễn Thị Đào mà chúng tôi nói đến ở trên, mặc dù là công nhân có thâm niên 10 năm trong công ty nhưng tổng thu nhập hiện nay của chị chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tiền chi tiêu các khoản như điện nước, tiền nhà, tiền ăn, tiền học hành của 2 con... đã hơn 7 triệu/tháng. Vì vậy, dù đã sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh hơn 10 năm nay nhưng gia đình chị Đào vẫn không có cuộc sống dư giả, mơ ước tới một ngôi nhà riêng từ những ngày đầu vào đây còn rất xa vời. "Hai bàn tay trắng vào Sài Gòn lập nghiệp thì nay vẫn hoàn trắng tay", chị Đào nói.

Đúng khi chúng tôi có mặt cũng là lúc chồng chị Đào, anh Trần Văn Trung, dậy để chuẩn bị đi làm sau khi chợp mắt được một chút, công việc của anh đi làm theo các công trình xây dựng ở quận 2. Tính ra cả tuần nay anh mới ghé về được một lần, còn lại anh phải thường xuyên ngủ ở công trường bên quận 2. Anh Trung chia sẻ: "Đưa vợ con vào đây những mong thoát khỏi khỏi cảnh cơ cực chân lấm tay bùn ở quê, nào ngờ đến giờ đã hơn 10 năm mà một tấc đất cắm dùi cũng không có. Công việc không ổn định, hết thất nghiệp lần này đến thất nghiệp lần khác. Cách đây mấy tháng, tôi còn làm lái xe cho một công ty vật liệu xây dựng ở quận 9 nhưng do công ty phá sản nên tôi lại phải chạy ngược chạy xuôi đi tìm việc. Giờ may mắn xin vào làm tại một công trường xây dựng ở quận 2, với lương tháng 3 - 4 triệu đồng/tháng không đủ chi tiêu. Tuy nhiên, công việc này cũng chỉ là tạm bợ bởi khi xây xong nhà là người ta lại cho mình nghỉ việc".

Cuộc sống dù có cơ cực nhưng những người công nhân xa quê luôn muốn hướng con cái họ học hành chăm chỉ để sau này thoát khỏi cảnh công nhân như cha mẹ chúng. "Con trai lớn đã ra trường nay đi làm có công việc ổn định, con gái út hiện đang là sinh viên năm nhất trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức. Dù phải chịu nhiều vất vả nhưng để các con thoát khỏi cảnh công nhân, vợ chồng cũng phải cố gắng cho chúng ăn học", chị Đào nói.

Theo NLĐO