Cơ cực nghề nữ cửu vạn đêm: 7.000 đồng mỗi lượt gánh 80 kg hàng

05/11/2013 12:28 AM


Gánh 70 - 80kg hàng hóa với tiền công 7.000 - 10.000 đồng mỗi lượt là công việc của những nữ cửu vạn đêm tại chợ Long Biên và Đồng Xuân, Hà Nội.


Những người phụ nữ làm cửu vạn đêm thường bắt đầu công việc từ 2 - 3 giờ đêm đến tận sáng ngày hôm sau. Những người phụ nữ làm cửu vạn đêm thường bắt đầu công việc từ 2 - 3 giờ đêm đến tận sáng ngày hôm sau. Chị em tại đây thường bắt đầu công việc từ 2 - 3 giờ đêm đến tận trưa ngày hôm sau. Công việc vất vả, tiền công rẻ nhưng mỗi đêm oằn lưng gánh hàng trên vai, họ cũng kiếm được 150.000 - 200.000 đồng. Cuộc sống gia đình khó khăn, ruộng nương không đủ ăn nên dù cực nhọc, những người phụ nữ này cũng gắng sức để mưu sinh. Thông thường, chị em gánh hàng thuê làm việc 9 - 10 tiếng/ngày, từ nửa đêm đến 10 - 11h ngày hôm sau mới về phòng trọ. Còn những người kéo xe đẩy chỉ làm từ 10h tối hôm trước đến 2 - 3h đêm. Nhưng họ phải đẩy nhanh những thùng hàng nặng gần 2 tạ, gấp hơn 3 lần trọng lượng cơ thể từ điểm cập xe vào chợ. “Cực lắm, nhưng vì đồng tiền mà gắng gượng thôi”, chị Hoa, quê ở Hưng Yên, chia sẻ.

Để làm nghề cửu vạn, những phụ nữ này tự sắm cho mình đôi quanh gánh, sợi dây thừng để sẵn sàng khi có người gọi. Xuất phát từ những vùng quê khác nhau, nhưng họ đều chung đặc điểm nghèo khó, tìm đến các khu chợ lớn ở Hà Nội gánh hàng mưu sinh. Với họ, cứ kiếm ra tiền thì dù nặng nhọc đến mấy cùng phải cố, vì đằng sau đó còn là mối lo cơm áo gạo tiền cho cả gia đình. “Nhiều hôm mệt lắm rồi, nhưng cứ có người thuê là lại lao vào gánh, dù biết về nhà sụn lưng, đau ê ẩm. Nhọc mấy cũng không sợ bằng thất nghiệp, bởi như vậy là đứa đói, đứa thất học”, chị Tuyến, thâm niên gần 2 năm trong nghề, nói.

Sau những giờ lao động vất vả, chị em cửu vạn đêm trở về phòng trọ ẩm thấp, tính giá 10.000 - 15.000 đồng mỗi ngày, gồm cả điện, nước, chiếu ngả lưng. Căn phòng chỉ 10-12m2 nhưng cả chục người chen chúc trong đó. Họ chia nhau chỗ ngủ, chia nhau chỗ sinh hoạt nhờ việc làm khác ca nhau. Người làm ban ngày thì ăn chiều, ngủ đêm, ngược lại người làm đêm thì sinh hoạt, ăn ngủ vào ban ngày. Chị Vũ Thị Đào, đến từ Hải Dương, kể “Cả chục mạng sống chen chúc, làm gì có chỗ phơi quần áo. Giặt thì cứ giặt, phơi thì cứ phơi thôi, hôm nào nắng to may ra mới khô hết được. Khổ nhất là những hôm gió nồm, nền nhà ướt rộp, nằm đắp chăn mà vẫn cảm tưởng như nằm dưới nước đá vậy. Quần áo thì phơi cả tuần vẫn ẩm rệt”. Sống trong điều kiện như vậy nên không ít người mắc các bệnh ngoài da. Chưa kể, mùa hè nóng, ngột ngạt, ngửi toàn mùi hôi người cũng đã đủ chết”, chị Đoàn Nhung, người Hưng Yên, tâm sự.

Làm việc quần quật, chắt chiu từng đồng, chấp nhận sống trong điều kiện chật hẹp, nhưng các chị vẫn thiếu trước hụt sau mỗi kỳ lo tiền gửi về nhà cho các con. Bởi với những tháng may mắn, họ có thể thu nhập được 4-5 triệu đồng, những cũng có những đợt chỉ kiếm được hơn 2 triệu đồng cho cả 30 ngày, vì “ế người”, chủ hàng không mướn. Sinh hoạt trong môi trường chật chội, lao động cực nhọc nên tài sản của họ chỉ là vài bộ quần áo bảo hộ cũ rách, đôi quang gánh và vài sợi dây thừng. Với những người phụ nữ này, chỉ khi ốm mới có khái niệm nghỉ ngơi.

Phận đời nữ cửu vạn vùng biên

Phóng viên trong vai một nam thanh niên lang thang kiếm một chân làm cửu vạn tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, mong được trải nghiệm cuộc sống của những đời cửu vạn nơi đây. Sau khi nhẫn nại, kiên trì tha thẩn từ khi mặt trời mới rạng cho đến nhá nhem tối, cuối cùng may mắn cũng đã mỉm cười khi tôi được người quen giới thiệu vào đội quân cửu vạn của một chủ buôn lớn. Các bạn “cửu”, trong đó có nhiều phụ nữ, nhìn tôi bằng con mắt soi mói, có vẻ không tin tưởng vào sức khỏe để đảm đương một “núi hàng” trên vai gầy thư sinh. Công việc ban đầu thật chẳng dễ dàng với tôi, nhưng đối với các “bóng hồng” cửu vạn, công việc này diễn thường ngày. Vừa thoăt thoắt chuyển những kiện hoa quả lên xe đẩy, chị Trịnh Thị Lựa quê huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, có thâm niên làm cửu vạn cũng ngót 10 năm nơi đây, chia sẻ với tôi: "Mình xa quê từ khi 15 tuổi, đến Lào Cai giúp việc cho một người họ hàng, nhưng vì bác dâu khó tính, hay đánh đập nên đành theo chân những người đồng hương đi làm cửu vạn”.

Tuổi thanh xuân của chị như bóng câu qua nơi đất khách quê người. Tưởng như hạnh phúc đã mỉm cười khi chị gặp được một "bạn cửu" cùng cảnh xa xứ, rồi có với nhau một mặt con. Nhưng cũng chẳng được bao lâu, hạnh phúc gia đình tan vỡ, chị phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc. “Nghĩ đến tương lai của con cùng với mưu sinh thường nhật, mình cố bám trụ lấy nghề để có đồng ra đồng vào, bởi cuộc sống nơi quê nhà chỉ dựa vào mấy sào ruộng là chết đói.” Chị Lựa rưng rưng. Đôi lúc, câu chuyện bị rơi vào khoảng lặng khi chị bộc bạch những nhọc nhằn và cả những niềm vui trong cuộc sống thường ngày: "Từ 3 giờ sáng tinh mơ, mình và những người trong nghề đã í ới gọi nhau đi cho kịp đóng hàng của chủ buôn, chờ trời sáng để chuyển đi. Khi cái gió rét căm căm xuyên thấu vào da thịt, nhiều người còn đang say giấc nồng thì tụi mình đã vội dậy đi chạy hàng cho kịp xuất hàng cho các chủ buôn, đôi khi vội quá cũng chỉ kịp vơ lấy cái áo gió khoác vào để buộc hàng lên xe phòng khi lạnh buốt. Làm một lúc là nóng bừng, rồi chú sẽ thấy mồ hôi tuôn như tắm”.

Cùng ở trọ với chị Lựa còn năm người phụ nữ khác đến từ các tỉnh Thái Bình, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai… Các chị đều khoảng ngoài 40 tuổi, thân hình nhỏ bé nhưng rất xốc vác và rất thạo việc. Các chị chia sẻ, kiếm được một chân cửu vạn nơi đây không dễ bởi nếu không có người thân quen hay không “qua tay” tên cai việc thì sẽ chịu cảnh ngồi vêu không ai mướn. Những ngày đầu lạ nước lạ cái, cửu vạn mới chỉ làm những việc vặt lấy miếng cơm qua ngày, sau đó thì thành thổ địa rồi; các bà chủ, ông chủ cứ giao việc nào là chắc chắn phải hoàn thành. Ngày nào may mắn thì họ kiếm được tiền trăm, không thì cũng chỉ đủ tiêu qua ngày, thậm chí có ngày chẳng có việc, ngồi dài còn mệt mỏi hơn cả khi khuân vác. Khi màn sương tan dần, tôi mới nhìn rõ những mái tóc ngả màu sương gió, đôi mắt của các chị chứa đầy sự mệt mỏi và nhiều nỗi lo. Hôm nay có việc đấy nhưng còn ngày mai, ngày kia?

Khoảng 7 giờ 30 sáng, những chuyến hàng từ bên kia Trung Quốc được các “bóng hồng” cửu vạn thồ về Việt Nam và ngược lại. Trên đôi vai bé nhỏ, họ mang vác số lượng lớn gấp đôi trọng lượng của cơ thể, chân đi lảo đảo, nhưng tay thồ vẫn vững chắc lắm. Vừa làm, họ vừa kể với nhau những câu chuyện vội vã cho vơi đi sự mệt nhọc. Chị Trần Thị Nga ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, vừa vác một bao quần áo nặng, vừa thở hổn hển, nhưng vẫn cố thêm vào câu chuyện của các chị khác: “Làm thế này tuy cực nhọc nhưng còn hơn con Liễu, nghe bọn nó dụ dỗ vác hàng lậu nhiều tiền, một đêm bằng cả tuần phơi mặt, tưởng ngon ăn, một lần trót lọt, chuyến này hàng tuần rồi chưa ló mặt về, không biết tính mạng ra sao hay là bị bán đi rồi".

Bóng tối đã bắt đầu bao phủ, không còn nhìn rõ mặt người, tôi theo các chị về nhà trọ ăn một bữa cơm “trước lạ sau quen” để làm thủ tục nhập hội. Một chị đang bưng bát cơm lên, không nhịn được bật cười: “Nếu tôn vinh phụ nữ thì một ngày có nhằm nhò gì”. Câu nói đùa của chị nhưng lại đầy ý nghĩa sâu xa. Với những nữ cửu vạn nơi vùng biên này, ngày nào cũng phải đổ mồ hôi nước mắt, thậm chí là máu để có miếng cơm manh áo, mỗi ngày trôi qua đều là những ngày nặng nhọc, các chị chấp nhận và thậm chí còn muốn vất vả hơn nữa để gia đình, con cái có được cuộc sống no đủ hơn. Ước mơ của họ chỉ giản dị là có sức khỏe và ngày nào cũng có chủ hàng thuê khuân vác để có tiền nuôi con cái ăn học, khôn lớn, không phải nhọc nhằn như mình nữa.

Theo GD&TĐ, Infonet