Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội để ổn định và phát triển

19/02/2014 02:41 AM


Trong công cuộc đổi mới, nước ta đạt nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế – xã hội, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khá, tỉ lệ nghèo giảm nhanh. Hệ thống chính sách an sinh xã hội từng bước được hoàn thiện, bảo đảm quyền lợi của người dân, đặc biệt quan tâm đến người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc, dân cư vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.


Đẩy mạnh dạy nghề, nâng cao chất lượng lao động.

Tuy nhiên, do hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh, thiên tai khắc nghiệt liên tiếp xảy ra, chênh lệch mức sống giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị có xu hướng gia tăng; giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững; độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội và mức hỗ trợ còn thấp, khả năng tiếp cận của nhiều nhóm đối tượng chưa cao, năng lực phòng, chống và quản lí rủi ro của người dân còn thấp, nguồn lực cho an sinh xã hội hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách của Nhà nước.

Chính phủ chỉ đạo sát sao các bộ, ngành chức năng rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về người có công  và an sinh xã hội. Tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh, ưu tiên hỗ trợ các đối tượng yếu thế; phát triển hệ thống an sinh xã hội có trọng tâm, chú trọng đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm người nghèo, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, người ốm đau, người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc miền núi, lao động nông thôn, khu vực phi chính thức, người thất nghiệp, người bị ảnh hưởng của thiên tai và các rủi ro bất khả kháng khác dựa trên quyền được an sinh của người dân và phù hợp với khả năng ngân sách của Nhà nước nhằm mục tiêu hỗ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện an sinh xã hội, đồng thời mở rộng sự tham gia của các đối tác xã hội thông qua các cơ chế khuyến khích, thu hút sự tham gia của các đối tượng vào cung cấp dịch vụ an sinh xã hội. Đồng thời, phát huy vai trò và trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, người lao động, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội. Có chủ trương, chính sách trợ giúp, khuyến khích, giải quyết cho con em gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để tiếp tục đến trường.

Trong hệ thống chính sách an sinh xã hội cũng còn một số vấn đề như : Độ tuổi hưởng trợ cấp BTXH còn cao, nên giảm xuống 75 tuổi. Nếu kinh tế khó khăn chưa thực hiện được đồng loạt thì xem xét giải quyết trước cho những NCT ở miền núi, biên giới, biển đảo, dân tộc ít người. Đối với gần 100.000 NCT chưa được hưởng chính sách BTXH do thiếu giấy tờ, hồ sơ liên quan… đề nghị các bộ, ngành chức năng thống nhất, có văn bản hướng dẫn thực hiện, nếu chậm trễ thì nhiều NCT bị tước mất cơ hội hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Để các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội đi vào cuộc sống cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp: Theo dõi chặt chẽ đời sống người có công, đối tượng chính sách xã hội để hỗ trợ kịp thời. Củng cố, quy hoạch và phát triển hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội, bao gồm các cơ sở bảo trợ xã hội, các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, các Trung tâm chữa bệnh – giáo dục – lao động và xã hội. Triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về giáo dục. Đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội…

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững từ năm 2011 đến năm 2020; Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2012 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo. Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế theo hướng khuyến khích người cận nghèo và người có thu nhập dưới mức trung bình tham gia bảo hiểm y tế; tăng cường hiệu quả quản lí nhà nước về bảo hiểm y tế. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ các hộ nghèo tiến tới đổi mới căn bản chính sách trợ giúp xã hội, giảm dần chính sách hỗ trợ cho không kém hiệu quả, chuyển dần sang hình thức cho vay tạo sự năng động, sáng tạo, ý chí không cam chịu đói nghèo của chính người dân.

Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội. Tăng cường khả năng tiếp cận các chính sách và dịch vụ cho các đối tượng dễ bị tổn thương; góp phần giúp đối tượng thoát nghèo, hoà nhập cộng đồng, xã hội và ổn định cuộc sống. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực của Nhà nước đầu tư phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản; tăng cường sự tham gia của các đối tác xã hội trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho các đối tượng dễ bị tổn thương.

Hoàn thiện Luật Việc làm trình Quốc hội; rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động; triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia Việc làm và Dạy nghề. Theo dõi chặt chẽ tình hình biến động lao động trong các doanh nghiệp, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, các dự án phải dừng, giãn tiến độ để có các giải pháp kịp thời tạo điều kiện cho người lao động mất việc nhanh chóng tìm được việc làm.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng đa dạng hóa các hình thức bảo hiểm xã hội, mở rộng đối tượng tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội, khuyến khích nông dân và người lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội. Tổ chức tốt việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm nhanh chóng đưa người lao động trở lại thị trường lao động. Thí điểm chính sách hỗ trợ nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp…

Do đất nước còn khó khăn, thiên tai bão lũ liên tục, lại phải gánh chịu hậu quả của các cuộc chiến tranh nên đối tượng người có công, người hưởng chính sách xã hội rất lớn đòi hỏi Nhà nước phải không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội góp phần ổn định và phát triển đất nước.

TS. Đàm Hữu Đắc/Báo Người cao tuổi