Thoát nghèo bền vững: Cần thay đổi cơ cấu sản xuất

19/02/2014 02:35 AM


Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc và Bộ LĐTB&XH xung quanh chính sách, pháp luật giảm nghèo trong giai đoạn 2005 - 2012. Dù các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét, tuy nhiên hiện giảm nghèo vẫn chưa mang tính bền vững, khi tình trạng tái nghèo lên tới 25-30% so với hộ thoát nghèo.


Tái nghèo lên tới 25-30%

Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 cho thấy: Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước đến năm 2012 giảm còn 9,60%, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50%. Các chính sách thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả, giúp đồng bào từng bước xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy.

Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Bảy - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 Ủy ban Dân tộc, thì nhiều mục tiêu của nhiều chương trình chưa hoàn thành do nguồn lực đầu tư cho các chương trình, chính sách không đáp ứng so với Quyết định đã được phê duyệt. Điều đó còn thể hiện ở việc cơ sở hạ tầng, mức hỗ trợ và cơ chế quản lý theo Quyết định 102 về hỗ trợ trực tiếp cho người dân không phù hợp, nhiều bất cập trong quá trình thực hiện. Cụ thể, vẫn còn 27 dự án định canh, định cư xen ghép, 128 dự án định canh, định cư tập trung thực hiện dở dang và 77 dự án chưa thực hiện; vẫn còn trên 326.909 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất, không có đất ở, đất sản xuất và 294.230 hộ cần hỗ trợ nước sinh hoạt; trên 156.000 hộ đặc biệt khó khăn có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất.

Ông Hà Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: Nhiều mục tiêu trong chính sách và pháp luật về giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi vẫn chưa hoàn thành do chưa bám sát được các mục tiêu và kế hoạch được phê duyệt, dẫn đến tình trạng manh mún, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách.

Bên cạnh đó, đánh giá của Bộ LĐTB&XH cho thấy: Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tái nghèo lên tới 25-30% so với hộ thoát nghèo là do thiên tai, bão lũ, hộ có người bị bệnh nặng, thiếu lao động, đông con. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập dẫn đến tái nghèo.

Cần giải pháp căn cơ

Còn nhớ, cách đây 5 năm, tại diễn đàn Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã thẳng thừng chỉ rõ: "Qua giám sát thực tế cho thấy, có tới 36 chính sách, trong 36 chính sách có 75 hợp phần, 100 văn bản hướng dẫn hỗ trợ người nghèo. Có đến 18 hợp phần nằm trong một chương trình phát triển sản xuất. Vậy, nhưng không có cơ quan nào chủ trì, điều hành, tổng hợp đánh giá đầy đủ về chương trình giảm nghèo”.

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách, pháp luật giảm nghèo trong giai đoạn 2005-2012 cho biết: Vẫn còn có sự lúng túng trong thực tiễn, từ Trung ương đến địa phương, trong việc tìm hướng giải quyết đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi tình trạng đồng bào di cư ngày càng nhiều. Theo ông Hùng, cần phải làm rõ một số vấn đề như: Hệ thống chính sách có manh mún, chồng chéo không? hiệu quả sử dụng chính sách, thực hiện nguồn vốn? phát huy vai trò của người nghèo, cộng đồng, chính quyền địa phương, đoàn thể trong tham gia giảm nghèo như thế nào? "Do vậy, cần có giải pháp căn cơ hơn về KTXH như: thay đổi cơ cấu sản xuất, tạo việc làm phi nông nghiệp, dạy nghề, xuất khẩu lao động” - ông Hùng nhấn mạnh.

Theo Báo Đại đoàn kết